I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

            Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

            Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì.

            […] Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa.

            […] Vậy học trò ngày nay phải biết xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi.

    (Trích Mạo hiểm – Nguyễn Bá Học, Quốc văn trích diễm, NXB Trẻ, TP HCM, 2005)

Câu 1: Ghi lại câu văn khái quát chủ đề đoạn trích.

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu văn “Vậy học trò ngày nay phải biết xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở”

Câu 3. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm sống thừa của tác giả nêu ra trong đoạn văn bản trên không? Vì sao?

Câu 4. Theo anh/chị, đoạn trích trên gửi đến người đọc thông điệp gì?

II.LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ vấn đề gợi ra trong văn bản đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Câu 2. (5,0 điểm)

          Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã ba lần nhắc tới hình ảnh lá ngón : Lần một, ngày mới về làm dâu nhà thống lí, “Có đến mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc” Mị định ăn lá ngón tự tử, nhưng vì thương cha, cô không đành lòng chết. Lần hai, lúc ấy bố Mị đã chết rồi, “ nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa”. Lần ba, lúc Mị uống rượu trong đêm tình mùa xuân, Mị thấy phơi phới trở lại...Và lại nghĩ “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ khồn buồn nhớ lại nữa...”.

          Phân tích nhân vật Mị trong ba lần nghĩ tới lá ngón để làm nổi bật ý nghĩa mà nhà văn Tô Hoài muốn thể hiện.

........HẾT........

 

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

Phần I

Nội dung

Điểm

 

 Yêu cầu về kĩ năng

- Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản;

 - Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

 Yêu cầu về kiến thức

- HS cần làm rõ các vấn đề:

 

1

Câu chủ đề: Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

0,5

 

2

Biện pháp tu từ: Ẩn dụ

0,5

3

HS có thể đồng tình hoặc không, nhưng phải có lập luận, lí lẽ thuyết phục cho quan điểm của mình.

1,0

4

- HS viết đoạn văn nêu rõ thông điệp và lí giải vì sao thông điệp đó có ý nghĩa nhất. Có thể rút ra những thông điệp phù hợp, chẳng hạn: ý nghĩa của tinh thần mạo hiểm, ý chí, bền bỉ của con người trong cuộc sống...

1,0

Phần II

Nội dung

Điểm

Câu 1

 

        Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”

2,0

 Yêu cầu về kĩ năng:

- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận; Có đủ Mở đoạn, phát triển đoạn, Kết đoạn.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận, biết triển khai vấn đề nghị luận; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

 Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, cơ bản nói được các vấn đề sau:

* Mở đoạn: Nêu vấn đề cần nghị luận.

0,25

* Thân đoạn:

1,5

Giải thích

- Đường đi: Đường đời, con đường dẫn đến đích thành công.

- Ngăn sông, cách núi: hình ảnh ẩn dụ chỉ những khó khăn, gian khổ trên đường đời.

- Ý nghĩa câu nói: Ý chí, nghị lực là yếu tố quan trọng giúp con người vượt qua những gian khổ, khó khăn trong cuộc sống, gặt hái sự thành công.

 

Bàn luận:

- Vì sao “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”?

- Núi cao, sông sâu đến mấy, nếu có ý chí, lòng kiên trì con người sẽ vượt qua.

- Con đường đời luôn ẩn chứa nhiều chông gai thử thách. Nếu con người có ý chí, quyết tâm, nghị lực chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn, thử thách và đi đến thành công.

- Ý chí, nghị lực vượt qua gian khổ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của con người trong cuộc sống. Nếu ngại khó, ngại khổ, e sông, sợ núi, con người sẽ không làm được việc gì, kể cả việc giản đơn nhất.

- Vượt qua khó khăn thử thách của đường đời đã khó. Vượt qua sự ngại khó, ngại khổ của bản thân mình còn khó hơn nhiều. Vì thế, cần có quyết tâm vượt lên trên nỗi sợ hãi, lo lắng của bản thân.

- Câu nói trên đề cao tinh thần vượt khó chứ không khuyên con người đạt được mục tiêu bằng mọi giá.

- Phê phán những người vừa gặp khó khăn đã nản chí, vừa gặp thất bại đã buông xuôi, chưa làm việc mà đã lo sợ khó khăn, nguy hiểm…

- Bài học nhận thức và hành động: Rèn luyện ý chí, nghị lực để đối diện với những khó khăn thử thách…

 

* Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề.

0,25

Câu 2

Phân tích nhân vật Mị trong ba lần nghĩ đến lá ngón

5,0

 Yêu cầu về kĩ năng:

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:  Mở bài, Thân bài, Kết bài.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận, biết triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

- Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

 Yêu cầu về kiến thức:

- Trên cơ sở hiểu biết về tác giả và tác phẩm, học sinh có thể sắp xếp, trình bày ý theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo được các vấn đề:

 

 

I. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

0,25

II. Thân bài.

1. Khái quát chung

- Năm 1952, trong chuyến đi dài tám tháng sống cùng đồng bào Tây Bắc, Tô Hoài đã cho ra tập truyện “Tây Bắc”, đặc sắc nhất là tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, để rồi từ đó, hình tượng “lá ngón”trở thành một trong những chi tiết nghệ thuật đặc trưng, mang nhiều ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc.

- Cũng như nhãn tự trong một bài thơ, chi tiết nghệ thuật có vị trí vô cùng quan trọng đối với tác phẩm văn xuôi, nó có thể thâu tóm linh hồn của tác phẩm. Và khi nhắc đến chi tiết nghệ thuật người đọc có thể  nhớ lại nội dung tác phẩm, nhớ đến nhân vật. Cũng như vậy, hình ảnh “lá ngón” xuất hiện ba lần trong tác phẩm và gắn liền với nhân vật Mị - người con gái miền cao lương thiện, xinh đẹp, tài hoa nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Mỗi lần xuất hiện nó mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng đều là ẩn ý của tác giả nhằm nêu bật được khía cạnh tâm trạng và tính cách nhân vật và tư tưởng của mình.

 2. Phân tích nhân vật Mị

* Hình ảnh lá ngón xuất hiện lần 1:

- Mị xuất hiện với hình ảnh mở đầu u ám: “Ai ở xa về...có một cô con gái. Lúc nào cũng vậy,...mặt buồn rười rượi”. Đây là cách giới thiệu trực tiếp về nhân vật. Sự xuất hiện ủ dột báo hiệu một thực tại không tươi sáng. Sự hiện diện song song giưã “cô gái – tàu ngựa – tảng đá” cho thấy sự ngang tầm giữa các chủ thể: “người và súc vật, súc vật và vô tri”. Cái thực tại xám xịt này là hệ quả của chế độ thực dân phong kiến thối tha, là kết cục bi thương của con người lành tính. Mị - một cô gái miền cao xinh đẹp, tài hoa, yêu tự do, đang tràn bung sức trẻ - ngay trong đêm tình hội xuân nồng nàn thì cuộc đời màu hồng chấm dứt. Cô bị trói gô như súc nô, bắt về nhà thống lí Pá Tra để trả món nợ từ đời trước, rồi bị “cúng trình ma” như một món hàng.

- Từ đây, Mị đi từ cuộc đời tươi đẹp xuống hố sâu của địa ngục, mỗi bước đi là một nỗi tủi nhục đến tột cùng. Mị sống không bằng chết, mấy tháng liền đêm nào cô cũng khóc, sống như một xác người trong kiếp cầm súc và rồi “có áp bức có đấu tranh”. Cô tìm về cha già, tay cầm nắm lá ngón. Lá ngón xuất hiện lần đầu tiên với nhiều ý nghĩa:

+  Như một lối thoát, nhưng lại là lối thoát cho những ai muốn chấm dứt hiện tại nghiệt ngã chứ không phải lối thoát cho người muốn sang trang mới. Đây là sự phản kháng quyết liệt  vô vọng song đó là sự chống đối với quyền lực nhà thống lí. Bọn chúng cho mình cái quyền cho con người được sống thì sống, bắt chết là phải chết. Nhưng với ý định ăn lá ngón tự tử, Mị đã chống lại quyền đó, tự lựa chọn lối đi riêng cho mình.

+ Lá ngón, cũng là hiện thân cho nỗi thống khổ, cho những tích tụ đắng cay, đầy đau đớn và uất hận. Nhưng mặt khác, lại khẳng định một tâm hồn cao đẹp của Mị, một trái tim dũng cảm, không muốn mình phải sống như trâu , ngựa, sống mà như chết. Đó cũng là khát vọng tự do, khát vọng được giải thoát của Mị.

+ Hành động cô ném nắm lá ngón đi vì thương cha còn có ý nghĩa khác. Tự mình tìm đến lá ngón đã là sự can đảm của người con gái, nhưng ném đi độc dược để tiếp tục sống khổ lại càng can đảm hơn. Đối với Mị, thà chết đi hơn sống nhục, nhưng rồi lại thà sống nhục còn hơn bất hiếu. Chính chữ hiếu là bản lĩnh cao đẹp nơi người con gái trẻ. “Lá ngón” như vậy, đã mang một tầng ý nghĩa nhân sinh tuy bản thân tượng trưng cho cái chết.

* Hình ảnh lá ngón xuất hiện lần 2:

- Mị trở về, tiếp tục sống kiếp cùng mạt nhục nhã. Nhiều năm trôi qua, cha già – người thân duy nhất cũng qua đời nhưng cái thôi thúc giải thoát  nay đã tắt. Mị không còn nghĩ đến đấu tranh bởi lẽ sống hay chết đối với cô lúc này không quan trọng nữa và đương nhiên “lá ngón” cũng chẳng còn lảng vảng trong tâm trí đã ngủ quên.

- Đó chính là sự xuất hiện lần thứ hai của “lá ngón”. Ngày trước vì thương cha cô không đành lòng chết, bây giờ cha đã chết, cô lại không tưởng mình có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Lá ngón phai mờ tượng trưng cho lòng ham sống, khát vọng tự do, tinh thần phản kháng đã nguội lạnh. Tâm hồn cô trở nên chai sạn “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Thay thế cho “phản kháng” là chấp nhận chịu đựng, là cam chịu nhẫn nhục. Mị như một cỗ máy làm việc, quay cuồng trong công việc. Mị mất đi cả ý thức về thân phận con người, chỉ ngỡ mình là con trâu, con ngựa, giống như con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa. Cô mất luôn cả ý niệm về không gian, thời gian. Lúc nào cũng vậy, ngồi một mình trong căn buồng tối trông ra lỗ vuông trắng đục chẳng biết “ sương hay nắng”. Một cô gái với bản lĩnh tự hái thuốc độc cho mình nay buông xuôi. Cô buông xuôi không bởi cô chấp thuận, mà sự thả trôi kia là kết cục của cuộc tự đấu tranh trong đơn độc, dai dẳng cuối cùng kết thúc bằng sự mỏi mệt và tuyệt vọng. Với Mị lúc này, sống hay chết thì cũng như nhau, cái chết cũng như sự sống, có lẽ đây là sự đau đớn nhất với tâm hồn con người.

=> Như vậy sau những năm tháng bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần, cô Mị đã rơi vào cái chết tinh thần nặng nề, đau đớn.

* Hình ảnh lá ngón xuất hiện lần 3:

- Đó là lúc mùa xuân đã về trên Hồng Ngài. Bất chấp gió và rét dữ dội, người Hồng Ngài vẫn tưng bừng đón tết. Không khí mùa xuân rộn ràng, tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết, tất cả đã làm tâm hồn Mị bổi hổi. Như một phép tiên, đôi môi tưởng chừng đã bị phong kín bởi thời gian nay mấp máy điều gì? Một bài hát cũ – bài hát thiết tha dạo cùng khúc sáo dìu dặt. Mị đang hát, đang cố hát để kéo về những kí ức xúc cảm vàng son. Sau không biết bao ngày sống kiếp nô lệ, Mị vẫn nhớ từng khúc nhạc từng lời ca. Chứng tỏ trong cô, vàng son không khép. Quá khứ và thực tại là hai đỉnh trái chiều và cô sống về quá khứ giữa thực tại tàn nhẫn, Mị đang khao khát vô cùng cái hạnh phúc như trong lời bài hát: được đi tìm tình yêu và tự do.

- Kí ức kéo về cho Mị lòng can đảm, và cô tìm đến rượu để tiếp tục lối đi trái chiều với thời gian. Người ta uống rượu thì say, còn Mị càng uống càng tỉnh. Mị tỉnh trong một quá khứ tươi đẹp. Ngày ấy cô thổi sáo, thổi lá đều rất hay, ngày đêm có biết bao người mê thổi sáo đi theo Mị.

- Ý thức về bản thân, về giá trị con người, về quyền sống, quyền tự do cũng đã trở về: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày tết”. Rồi cái ý thức cá nhân dâng lên mạnh mẽ mà một khi ý thức ấy đỉnh điểm thì Mị lại càng không thể chấp nhận nhục nhã đớn đau trong cái cảnh “sống không ra người” này. Giải thoát! Tự do! Mị không thể tự do thể xác thì cô sẽ tự do tâm hồn, và lá ngón một lần nữa xuất hiện: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Càng nhớ càng buồn, càng buồn càng khổ. Thà chết đi cho xong chứ nhớ lại làm chi khi mình bất khả kháng! Và hình ảnh lá ngón lại mang nhiều ý nghĩa:

+ Lá ngón lại xuất hiện với tầng ý nghĩa giải thoát, giải thoát khỏi địa ngục trần gian. Địa ngục trần gian ở đây không đơn giản là nỗi đau xác thịt và linh hồn khi bị hành hạ, mà địa ngục thật sự khi phải sống trong lầm than với những hồi ức ngọt ngào cứ hiện hữu.

+ Lá ngón là “sự tự ý thức”. Đánh dấu sự trở lại của ý thức sống, đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn tưởng chừng như đã “chết đi trong cõi sống”. Có lẽ lần xuất hiện này của lá ngón là quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất. Bởi lẽ, Mị nghĩ đến lá ngón với sự cương quyết tột cùng, trạng thái phẫn nộ và ý thức rõ nhất vì giờ đây, cô không còn cái gì để hối tiếc, để luyến lưu. Tuổi xuân đầu đời – thời gian đẹp nhất – nay đã hết, cha già – nguồn yêu thương vô tận cũng không còn. Lòng Mị nay là cõi chết. Lá ngón đối với nàng không là liều thuốc độc, mà trở thành thứ phương tiện, hình thức, con đường để đi đến một bến bờ khác không còn đớn đau, để phản kháng lại cái xã hội đương thời mạt hạn. Mị tìm đến lá ngón là tìm đến cái chết như một sự tự cứu và phản kháng.

=> Như vậy, sự xuất hiện của lá ngón lần thứ ba trong tâm hồn Mị lại biểu trưng cho sự hồi sinh của tâm hồn. Chính sức sống tiềm tàng này đã tạo nên sức mạnh để Mị có thể thản nhiên chuẩn bị đi chơi tết trước mặt A Sử, để khi bị trói cô cũng thấy mình như không bị trói và để cô có thể chiến thắng cường quyền, thần quyền ở đoạn cuối câu truyện tự giải thoát cho cuộc đời mình.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Giọng văn chậm, đều; thủ pháp so sánh, vật hóa; cách chọn hình ảnh, chi tiết độc đáo; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế... Tất  cả đã làm nổi bật hình tượng nhân vật.

 

3.75

3. Nhận xét

- Có thể nói, Mị là hình ảnh của đồng bào miền cao Tây Bắc sống kiếp nô cầm trong xã hội của bọn thực dân phong kiến, cũng như đồng bào miền xuôi hay khắp mọi miền đất nước khi ánh sáng cách mạng chưa kịp soi sáng. Mị cũng có sự tự tôn của mình, nhưng để bảo vệ sự tự tôn ấy, cô đã chọn lá ngón. Và có lẽ, đó là lẽ đương nhiên đối với một cô gái đơn độc có tâm hồn quá sáng trong nhưng vị thế lại quá nhỏ nhoi, nhất là khi ánh sáng cách mạng chưa thể rọi đến Hồng Ngài xa xăm.

- Trong hoàn cảnh ấy, tâm hồn của Mị đã có sự thay đổi theo thời gian. Qua ba lần hình ảnh lá ngón xuất hiện, ta thấy rất rõ điều đó. hình tượng nhân vật Mị đã hiện lên chân thực. Lần một, vẫn là tâm hồn của cô gái yêu tự do. Lần hai, là sản phẩm của tội ác nhà thống lí, lúc ấy sức sống trong Mị chỉ bị tiềm tàng đi chứ chưa bao giờ bị mất đi và nó đã trỗi dậy mãnh liệt trong lần ba. Sự trỗi dậy này là hệ quả tất yếu của một con người yêu đời, ham sống, yêu tự do và tràn đầy khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Đây là vẻ đẹp tâm hồn mà không một tội ác nào có thể hủy diệt được.

- Lá ngón xuất hiện ba lần với các tầng ý nghĩa ngày càng sâu sắc hơn, dữ dội hơn. Cái độc của lá ngón vậy ra vẫn còn thua cái độc của xã hội. Đây là lời tố cáo đanh thép tội ác tội ác tàn bạo của bọn thống lí trong xã hội thực dân phong kiến lá càng độc là đớn đau đồng bào chịu càng nhiều. Lá ngón cũng trở thành dấu hiệu báo động cho sự khẩn thiết, cầu cứu của đồng bào miền cao đối với Cách mạng còn quá xa và cũng chính là tư tưởng nhân đạo cao đẹp mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta.

0,75

III. Kết luận

- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận

0,25

Bài viết gợi ý: