I.ĐỌC HIỂU (4 ĐIỂM)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây

…Khi ai đó gieo những hạt mầm tốt đẹp, nhất định nó sẽ có ngày nảy nở thành vụ mùa bội thu, khiến cho dù chủ nhân có không còn trên cõi đời, thì hương hoa thơm, vị quả ngọt vẫn nhắc khôn nguôi về họ. Khi ta gieo một hạt mầm tốt đẹp ta làm cho cuộc sống của mình tỏa hương.

Khi không gian thông tin càng mở rộng, con người có xu hướng cảm thấy ngạt thở trước dòng thác cuồn cuộn rác rến, tin tức tiêu cực. Những điều đó cộng hưởng thành chất xúc tác góp vào quá trình xây đắp những định kiến, những nghi kỵ, những mất lòng tin. Tất thảy cuối cùng làm xói mòn tất cả. Khiến người lầm lũi đi qua nhau. Khiến bố lấm lũi tránh khi giữa đường gặp chuyện bất bằng. Khiến mẹ tự biết “bé cái mồm” khi khựng lại trước những gì chướng tai gai mắt. Khiến em nghĩ và tin rằng không còn ai tin vào nước mắt. Khiến anh biết sai quấy mà vẫn cho qua. Khiến chị vô cảm đi về mỗi ngày, chừng nào những đau đớn chưa chạm đến người thân ruột thịt cận kề.

 Không còn tin có điều tốt trên đời là trạng thái còn đáng sợ hơn cái chết. Không còn tin có ngưòi tốt trên đời là cảm xúc của trước ngày tận thế. Trạng thái thiếu vắng niềm tin sẽ xói mòn, sẽ ăn mòn tâm hồn con người mỗi ngày còn hơn cả những bệnh tật thể chất, còn hơn cả những axit mạnh nhất. Nhất là đến một ngày không còn ai nghĩ đến gieo hạt nữa, bởi trong tâm đã thiếu vắng niềm tin về mùa màng đơm hoa kết trái.

Cho nên điều cần nhất trên đời là cảm hứng muốn gieo hạt, muốn ươm mầm thiện trong mỗi người. Cho nên, một dòng tin tức về một bác doanh nhân nhân hậu ở Sa Đéc đến lúc bệnh trọng biết không qua khỏi vẫn không ngừng gieo hạt khiến ta phải rưng rưng. Ông nhắc ta phải giữ cho mình hy vọng, dù giữa ầm ào những điều xấu xa, vẫn hy vọng vào lòng tốt và tin vào điều tốt. Tin để tiếp tục gieo. Dẫu cho mình đang tuổi nhỏ, cũng hãy bắt đầu vụ mùa thật sớm bằng cách gieo trồng điều tốt đẹp mỗi ngày…

                                                                  (Hà Nhân- Chỉ là những bông cỏ may, Hoa học trò số 1157)

Câu 1. Chỉ ra hậu quả của việc thiếu vắng niềm tin được nói đến trong đoạn trích trên

Câu 2. Việc đưa ra dẫn chứng về bố, mẹ, em, chị trong đoạn văn thứ 2 có tác dụng gì?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu:Khi ta gieo một hạt mầm tốt đẹp ta làm cho cuộc sống của mình tỏa hương.

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm của tác giả: Cho nên điều cần nhất trên đời là cảm hứng muốn gieo hạt, muốn ươm mầm thiện trong mỗi người không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau của tác giả: Dẫu cho mình đang tuổi nhỏ, cũng hãy bắt đầu vụ mùa thật sớm bằng cách gieo trồng điều tốt đẹp mỗi ngày…

Câu 2 (5,0 điểm):

          Trong đoạn trích Hồn Trương Ba, da Hàng thịt của Lưu Quang Vũ, người con dâu đã nhắc lại lời Trương Ba từng nói: Thầy bảo, cái bên ngoài là không đáng kể chỉ có cái bên trong nhưng sau đó, trong màn đối thoại với Đế Thích, Trương Ba đã khẳng định: không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được, tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Anh/chị hãy phân tích của hai câu nói trên  của Trương Ba từ đó lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Trương Ba và rút ra những thông điệp mà Lưu Quang Vũ gửi gắm qua hai câu nói của Trương Ba.

----------------------------------Hết ------------------------------------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

 

ĐỌC HIỂU

3.0

 

1

Hậu quả của việc thiếu vắng niềm tin được nói đến trong đoạn trích là: Trạng thái thiếu vắng niềm tin sẽ xói mòn, sẽ ăn mòn tâm hồn con người mỗi ngày còn hơn cả những bệnh tật thể chất, còn hơn cả những axit mạnh nhất. Nhất là đến một ngày không còn ai nghĩ đến gieo hạt nữa, bởi trong tâm đã thiếu vắng niềm tin về mùa màng đơm hoa kết trái.

0.5

2

Việc đưa ra dẫn chứng về bố, mẹ, em, chị trong đoạn văn thứ 2 có tác dụng:

-chứng minh cho quan điểm mà tác giả đưa ra trước đó là:Khi không gian thông tin càng mở rộng, con người có xu hướng cảm thấy ngạt thở trước dòng thác cuồn cuộn rác rến, tin tức tiêu cực. Những điều đó cộng hưởng thành chất xúc tác góp vào quá trình xây đắp những định kiến, những nghi kỵ, những mất lòng tin

- Việc đưa ra một loạt dẫn chứng còn cho thấy thái độ lo ngại, xót xa khi con người đánh mất niềm tin vào những điều tốt đẹp

0.5

3

Câu:Khi ta gieo một hạt mầm tốt đẹp ta làm cho cuộc sống của mình tỏa hương có ý nghĩa là: khi ta làm hay suy nghĩ một điều gì đó dù nhỏ bé nhưng có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp thì ta đã góp phần làm cho cuộc sống của mình trở nên đẹp đẽ và có ý nghĩa hơn

1.0

4

Học sinh trình bày quan điểm cá nhân của mình và đưa ra lý do. Cần thấy đây là một quan điểm đúng đắn vì: khi mỗi người đều mang trong mình cảm hứng muốn gieo hạt, muốn ươm mầm thiện thì suy nghĩ và hành động của mỗi người sẽ trở nên tốt đẹp, xã hội cũng vì thế mà tốt đẹp, văn minh hơn, những điều xấu xa, tăm tối sẽ được đẩy lùi

1.0

II

 

LÀM VĂN

7.0

 

1

Trình bày suy nghĩ về  ý  kiến :Dẫu cho mình đang tuổi nhỏ, cũng hãy bắt đầu vụ mùa thật sớm bằng cách gieo trồng điều tốt đẹp mỗi ngày

2.0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Dù còn nhỏ tuổi nhưng mỗi chúng ta cần phải gieo trồng những điều tốt đẹp mỗi ngày

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm ý nghĩa quan trọng của việc biết gieo trồng những điều tốt đẹp mỗi ngày từ khi còn nhỏ. Có thể theo hướng sau:

- Khi biết gieo trồng những điều tốt đẹp mỗi ngày từ khi còn nhỏ, ta sẽ hình thành được thói quen làm việc thiện lành; đó là nền tảng để tạo dựng nhân cách và góp phần tạo nên một tương lai tốt đẹp; mỗi người đều có ý thức gieo trồng những điều tốt đẹp thì sẽ góp phần thúc đẩy đất nước và xã hội phát triển, đẩy lùi được những điều xấu xa, tiêu cực.

- Cần gieo trồng những điều tốt đẹp trong cả suy nghĩ và hành động. Liên hệ bản thân và giới trẻ

1.0

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.25

 

2

Anh/chị hãy phân tích ý nghĩa của hai câu nói của nhân vật Trương Ba từ đó lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Trương Ba và rút ra thông điệp

5.0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

phân tích ý nghĩa của hai câu nói của nhân vật Trương Ba từ đó lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Trương Ba

0.5

 

 

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 

* Giới thiệu khái quát về tác giả Lưu Quang Vũ và  vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng thịt

Lưu Quang Vũ (1948-1988) là nhà soạn kịch lớn nhất thế kỉ XX với hơn 50 vở kịch. Kịch của ông mang đậm tính thời sự và tính triết lý

- Vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng Thịt ra đời năm 1981 dựa trên cốt truyện của truyện cổ tích cùng tên nhưng Lưu Quang Vũ không sao chép lại truyện dân gian mà đã mượn cốt truyện để triển khai những vấn đề nhức nhối của thời đại mình

0.5

* Phân tích hai câu nói của Trương Ba

  • Câu nói với người con dâu: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong

+ Hoàn cảnh của câu nói: Khi Trương Ba chưa phải chết oan, chưa phải sống trong thân xác anh Hàng thịt, là người làm vườn hiền lành, tốt bụng, nhân hậu, có cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên gia đình

+Ý nghĩa: Cho thấy nhận thức của Trương Ba là đề cao cái bên trong nghĩa là đề cao tâm hồn và không coi trọng cái cái bên ngoài  tức là phần thể xác, bản năng này của con người. Suy nghĩ này của Trương Ba cũng là suy nghĩ phổ biến tồn tại trong xã hội Việt Nam từ ngàn năm nay

  • Câu nói với Đế Thích: không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được, tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

+ Hoàn cảnh của câu nói: Khi Trương Ba phải sống trong thân xác anh Hàng Thịt, chịu rất nhiều rắc rối, bất ổn, đau khổ khi không được là chính mình

+ Ý nghĩa: Thể hiện sự thay đổi trong nhận thức của Trương Ba, từ chỗ chỉ coi trọng cái bên trong nghĩa là tâm hồn, nhân cách, Trương Ba đã nhìn thấy mỗi quan hệ chặt chẽ giữa Bên trong- bên ngoài; Trương Ba cũng nhận thức được hai phần này của con người không thể một đằng-một nẻo nghĩa là vênh lệch mà cần có sự hòa hợp. Điều đó gián tiếp cho thấy Trương Ba không còn tuyệt đối hóa vai trò của cái bên trong mà đã thừa nhận cả vai trò của cái bên ngoài. Từ nhận thức đó Trương Ba đi tới khao khát: Tôi muốn được là tôi toàn vện nghĩa là muốn được sống là chính mình. Câu nói này cũng cho thấy bản lĩnh của Trương Ba khi muốn thoát ra khỏi cái vỏ bọc để tự chịu trách nhiệm về chính bản thân mình

1,5

*        Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức của Trương Ba

Sự thay đổi trong nhận thức của Trương Ba đến từ hai màn đối thoại với xác Hàng Thịt và người thân

-Trong màn đối thoại với Xác Hàng Thịt ban đầu Trương Ba đã quyết liệt phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của thân xác. Trương Ba cho rằng thân xác không có tiếng nói, chỉ là xác thịt âm u, đui mù. Nhưng Xác Hàng Thịt đã đưa ra những lý lẽ và dẫn chứng rất thuyết phục để chứng minh vai trò và tầm ảnh hưởng của mình và Trương Ba không thể chối cãi. Càng về sau Trương Ba càng đuối lý và buộc phải thừa nhận việc cần phải tôn trọng Xác Hàng Thịt qua việc thay đổi cách xưng hô (từ mày chuyển sang gọi Xác là anh)

- Trong màn đối thoại với người thân, lần lượt 3 người thân của Trương Ba đã khẳng định sự thay đổi của Trương Ba: người vợ: Ống đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa; cái Gái: Ông không phải là ông nội tôi, ông nội tôi chết rồi; chị con dâu Con cảm thấy, đau đớn thấy mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ lệch lạc, nhòa mờ dần đi đến mức có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa.

Lời khẳng định của người thân một lần nữa khiến Trương Ba nhận thức được mình đã thay đổi do chịu ảnh hưởng của thân xác.

- Sự đau khổ của chính bản thân khi đánh mất dần những giá trị tốt đẹp vốn có để trở nên dung tục tầm thường cùng việc chứng kiến nỗi đau khổ của ngườ thân khi Trương Ba không còn là chính mình đã khiến Trương Ba đi đến khao khát: Tôi muốn được là tôi toàn vẹn

1,0

* Rút ra thông điệp của Lưu Quang Vũ

- Để có một cuộc sống có ý nghĩa mỗi người cần sống là chính mình, cần có sự hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài, giữa linh hồn và thể xác. Sự giả dối, giả tạo, vênh lệch dù là bị ép buộc hay cố tình đều sẽ phải trả giá bằng đau khổ

- Cả tâm hồn và thể xác đều rất quan trọng và cần có sự hài hòa cần tránh cái nhìn cực đoan, thiên lệch. Ở góc độ này, Lưu Quang Vũ đã mạnh dạn đối thoại với tư tưởng của dân gian

0.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5

TỔNG ĐIỂM

10.0

Bài viết gợi ý: