1. Hoàn cảnh sáng tác
Tháng 1/1428, dân tộc ta kết thúc công cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược và giành thắng lợi. Nguyễn Trãi đã thay nhà vua (Lê Lợi) viết bài cáo này
2. Nội dung cần nắm
Bình Ngô đại cáo là áng thiên cổ hùng văn, là một bản cáo trạng với lập luận chặt chẽ, xác đáng,dẫn chứng hùng hồn đã tố cáo tội ác mà giặc Minh đã gây ra cho dân tộc ta. Dù chúng bạo ngược, gian ác như thế nào thì cũng phải thua lòng nhân nghĩa. Bởi vì theo lẽ trời thì cường bạo chưa bao giờ chiến thắng.
Đại cáo bình Ngô cũng kể lại quá trình chinh phạt gian khổ, nằm gai nếm mật của cuộc kháng chiến, và đồng thời cũng là bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố chủ quyền dân tộc, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa
3. Nghệ thuật
- Kết cấu: sử dụng linh hoạt kết cấu của thể Cáo
- Lập luận: tư tưởng nhân nghĩa và độc lập dân tộc là cơ sở chân lí để triển khai lập luận. Lí lẽ luôn gắn liền với dẫn chứng thực tiễn.
- Bút pháp nghệ thuật: là sự kết hợp giữa bút pháp trữ tình, tự sự và bút pháp anh hùng ca.
- Hình ảnh giàu sức biểu cảm.
- Sử dụng các biện pháp so sánh, ẩn dụ, điệp từ làm tăng tính hình tượng cho câu văn.
4. Bố cục
Bố cục của Đại cáo bình ngô gồm 4 phần:
Phần 1 (“Việc nhân nghĩa...chứng cứ còn ghi”): tuyên bố lập trường chính nghĩa của cuộc chiến
Phần 2 (“Vừa rồi...Ai bảo thần dân chịu được”): lên án, tố cáo tội ác giặc Minh.
Phần 3 ( “Ta đây...chưa thấy xưa nay”): kể lại quá trình kháng chiến gian khổ.
Phần 4 (phần còn lại): Tuyên bố độc lập, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc, Nguyễn Trãi đã dựa vào các yếu tố như: nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng. Với những yếu tố căn bản này, tác giả đã đưa ra một khái niệm khá hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc.
So với ý thức về quốc gia dân tộc trong bài thơ Sông núi nước Nam, thì ở Nguyễn Trãi, ta thấy nó vừa có sự kế thừa lại vừa có sự phát huy và hoàn thiện. Ý thức về nền độc lập của dân tộc thể hiện trong bài Sông núi nước Nam được xác định ở hai phương diện: lãnh thổ và chủ quyền; còn trong bài Nước Đại Việt ta, ý thức dân tộc đã phát triển cao, sâu sắc và toàn diện. Ngoài lãnh thổ và chủ quyền, ý thức về độc lập dân tộc còn được mở rộng, bổ sung thành các yếu tố mới: đó là nền văn hiến lâu đời, đó là phong tục tập quán riêng, truyền thống lịch sử anh hùng. Có thể nói, ý thức dân tộc đến thế kỉ XV đã phát triển sâu sắc, toàn diện hơn nhiều so với thế kỉ X.