1:Trong cuộc sống hiện nay, thế hệ trẻ chính là lực lượng nòng cốt tiên phong đóng góp xây dựng cho một quốc gia dân tộc. Thật vậy, thái độ sống của phần đông người trẻ tại VN thực sự đáng mừng và tích cực. Những thái độ sống tốt được thể hiện ở việc những người trẻ đó thực sự chăm chỉ học tập làm việc, cống hiến hết mình vì bản thân, gia đình. Họ có thái độ sống đầy nghị lực, ngập tràn đam mê, vượt qua được tất cả thử thách chông gai và chinh phục thành công. Ngoài ra, những người trẻ có thái độ sống tốt còn thực sự sống nhiệt huyết dấn thân từng ngày vì đất nước vì bản thân. Họ sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại 1 bộ phận nhỏ giới trẻ vẫn chưa có thái độ sống đẹp biểu hiện khá tích cực. Những người đó họ có lối sống thích an nhàn, hưởng thụ thậm chí là dốt nát và dễ bị kích động, xúi giục. Điều này thực sự có hại với cuộc sống chung và cộng đồng. Tóm lại, thái độ sống tốt của người trẻ là 1 tín hiệu tốt của đất nước phát triển thịnh vượng và bền vững.
2:
Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông gần gũi với văn hóa dân gian, nhưng sâu sắc mà rất đỗi tài hoa, đi sâu vào cái nghĩa, cái tình muôn đời của con người Việt Nam. Bài thơ Ánh trăng viết năm 1978 là tiếng lòng trăn trở của nhà thơ trước những đổi thay của bản thân và cuộc đời. Thông qua hình tượng nghệ thuật “Ánh trăng” và cảm xúc của nhà thơ, bài thơ đã diễn tả những suy ngẫm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa.
Chiến tranh đã trôi qua, không ít người đã quen với hoàn cảnh sống mới với lối sống tiện nghi, hiện đại mà dần quên đi quá khứ, quên đi những kỉ niệm nghĩa tình một thời bom đạn. Bài thơ vì thế đâu chỉ là tiếng lòng, suy ngẫm của riêng Nguyễn Duy mà là của cả một lớp người, một thế hệ, là lời cảnh tỉnh đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian, trong đó, ánh trăng là hình tượng xuyên suốt, giàu ý nghĩa:
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa “.
Hồi nhỏ, thời chiến tranh: Con người sống hòa mình với thiên nhiên, với cây cỏ, vầng trăng thành bạn bè, thành tri kỉ. Vầng trăng đã gắn bó thân thiết với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành,cả trong hạnh phúc và gian lao. Trăng là vẻ đẹp của đất nước bình dị, hiền hậu; của thiên nhiên vĩnh hằng, tươi mát, thơ mộng. Vầng trăng không những trở thành người bạn tri kỉ, mà đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa” biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình.
Vầng trăng không chỉ là thiên nhiên thơ mộng, là đồng quê thân thuộc, mát lành mà chính là biểu tượng cho quá khứ, biểu tượng của tấm lòng nghĩa tình, luôn gắn bó, thủy chung của nhân dân đối với đất nước. Như một lời thề, con người nguyện giữ mãi mối tình thủy chung với vầng trăng, với quê hương, đất nước, quyết giữ gìn tinh thần và phẩm chất cao quý của mình.
Thế nhưng, từ hồi lên thành phố, tất cả đã đổi thay không ngờ.
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”.
Khi hoàn cảnh sống thay đổi, đất nước sạch bóng quân thù, những khó khăn qua đi, cuộc sống nơi thành phố với những tiện nghi hiện đại “ánh điện, cửa gương” đã làm người ta lãng quên quá khứ. Vầng trăng “tình nghĩa” năm xưa cũng đi vào quá vãng, đã bị lãng quên từ bao giờ không hay biết. Vầng trăng vẫn “đi qua ngõ”, vẫn tròn đầy, vẫn thủy chung tình nghĩa, nhưng con người đã quên trăng, hờ hững, lạnh nhạt, dửng dưng đến vô tình. Vầng trăng giờ đây bỗng trở thành người xa lạ, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay biết.
Cuộc sống cứ như thế lặng lẽ trôi đi, con người bị cuốn hút vào đời sống vật chất. Sau bao tháng ngày khổ cực, gian lao lại tất bật lo cho đời sống của mình. Nó cũng khốc liệt chẳng khác gì cuộc chiến: cơn đói khát, lòng tham của tâm hồn đã khiến con người quên đi tất cả. Họ khép mình trong những bức tường lạnh lùng, lãng quên đồng ruộng, thiên nhiên, cây cỏ. Đến hôm nay, khi những tiện nghi kia bỗng dưng gặp sự cố, họ mới bất ngờ nhận ra xung quanh họ tất cả vẫn còn nguyên vẹn:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn” .
Đèn điện tắt chỉ là một cái cớ. Bóng tối của vũ trụ đâu đáng sợ bằng bóng tối trong lòng con người. Sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, gợi cho nhà thơ bao kỉ niệm nghĩa tình. Cả một vùng đồng quê xanh mát, cả một thời quá khứ hào hùng, nghĩa tình, thủy chung với lời thề gắn kết hiện về. Con người đối diện với vầng trăng “Ngửa mặt lên nhìn mặt” với cảm xúc “rưng rưng” xúc động, vừa như ân hận, vừa thành kính, lặng im:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”
Vầng trăng vẫn hiền hậu, nhân từ “như là đồng là bể – như là sông là rừng ” nhắc người ta nhớ nhiều đến tình cảm thiêng liêng, hồn hậu trong quá khứ. Cấu trúc song hành của hai câu thơ, nhịp điệu dồn dập cùng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ và liệt kê như muốn khắc họa rõ hơn kí ức về thời gian gắn bó chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng lớn lao sâu nặng, nghĩa tình, tri kỉ. Chính thứ ánh sáng dung dị đôn hậu đó của trăng đã chiếu tỏ nhiều kỉ niệm thân thương, đánh thức bao tâm tình vốn tưởng chừng ngủ quên trong góc tối tâm hồn người lính. Chất thơ mộc mạc chân thành như vầng trăng hiền hòa, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm như “có cái gì rưng rưng”,đoạn thơ đã đánh động tình cảm nơi người đọc:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Hình ảnh vầng tràng “cứ tròn vành vạnh” tượng trưng cho sự vẹn nguyên, chung thủy khiến người đọc ngờ ngàng, xúc động. Mặc cho con người “vô tình” nhưng vầng trăng thì vẫn độ lượng, bao dung. Trạng thái “im phăng phắc” là thái độ nghiêm khắc nhắc nhở con người. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.Ai đó có thể vô tình, lãng quên nhưng thiên nhiên, quá khứ tình nghĩa năm nào thì vẫn luôn tròn đầy, bất diệt, càng làm tăng thêm nỗi dằn vặt, ân hận trong tâm hồn con người.
Bài thơ như cáu chuyện riêng, có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình; giọng điệu vừa tâm tình, vừa suy nghĩ trầm lắng, day dứt rất phù hợp với mạch cảm xúc toàn bài.
Cất lên như một lời cảnh tinh, nhắc nhở, bài thơ không chỉ có ý nghĩa với một lớp người, một thế hệ vừa mới đi qua chiến tranh, mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối thế hệ trẻ hôm nay, những con người sẽ là thế hệ làm chủ đất nước ở tương lai. Bài thơ đặt ra vấn đề thái độ đối với quá khứ, với những người đẫ khuất và với cả trách nhiệm của chính mình: đừng bao giờ lãng quên quá khứ, hãy thủy chung, nghĩa tình, sống đẹp đẽ, một lòng cống hiến dựng xây đất nước. Hãy biết trân trọng quá khứ, trân trọng công ơn của lớp lớp con người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc, làm xanh mảnh đất hôm nay. Lãng quên không phải là tội lỗi nhưng nếu không biết trân trọng những gì thiêng liêng của dân tộc thì thật đáng trách, đáng khinh chê.
Thơ Nguyễn Duy sâu lắng, thắm thiết cái hồn cái vía của ca dao, dân ca Việt Nam. Những bài thơ của ông không cố gắng tìm kiếm những hình thức mới mà đi sâu vào cái nghĩa cái tình muôn đời của con người Việt Nam. Ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy cũng không bóng bẩy mà gần gũi, dân dã. Ánh trăng là một minh chứng hùng hồn cho phong cách thơ ấy. Chỉ bằng một suy nghĩ, nhà thơ tự thức tỉnh mình và nhẹ nhàng nhắc nhở con người, nâng cao trách nhiệm con người đối với lịch sử dân tộc, đối với tương lai đất nước. Thơ ca nói bằng hình tượng và chính vì thế nó cũng được cảm thấu bằng lăng kính của tâm hồn.