Người đã để lại tài sản vô giá đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp của Người; đó là kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và của thời đại.
Mỗi người dân tộc Việt Nam chúng ta, khi nói đến cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ai không nhớ đến những vần thơ:
“ Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm đủ vì sao
Đố ai đếm được công lao Bác Hồ”
Thật vậy, những cống hiến của Bác Hồ muôn vàng kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là vô bờ bến. Dù năm tháng có qua đi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu, chúng ta cũng không thể nào quên hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc – lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp của Người; đó là kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và của thời đại. Có thể nói những phẩm chất đạo đức cơ bản của người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là tấm gương của một vỹ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, nhưng cũng là một tấm gương đạo đức hết sức giản dị, ai cũng có thể học và làm theo để trở thành một người cách mạng, người công dân tốt. Trong những đức tính cao cả đó bản thân tôi thấy bài học về sự tiết kiệm cần phải tập trung nghiên cứu để vận dụng một cách linh hoạt vào cuộc sống kể cả trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường.
NỘI DUNG CÂU CHUYỆN: BÀI HỌC VỀ SỰ TIẾT KIỆM
Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khoẻ Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy.
Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi Báo Nhân dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.