Núi Hồng, một khối núi đồ sộ, nổi lên giữa đồng bằng 3 huyện Can Lộc, Nghi Xuân và Đức Thọ, chiếm một diện tích khoảng 30km2, xấp xỉ với diện tích đồng bằng cả huyện Nghi Xuân. Ngọn núi cao nhất trong dãy là núi Ông. Các sách địa chí xưa chép đó là ngọn núi Hương Tích, dân gian quen gọi là ngọn Tháp Cờ. Đỉnh cao của nó cũng chỉ 676m, nhưng do tính chất liền khoảnh, vẫn gây cho ta cảm giác là nó rất cao: Dãy dài trùng điệp ngất trời xanh (Dịch thơ chữ Hán của Thiệu Trị, khắc bia đá dựng ở chân núi Hồng). Núi Hồng không những chiếm một diện tích hoàn chỉnh, mà còn phóng ra các đồng bằng bao quanh nhiều quả núi nhỏ lẻ, riêng biệt, tạo thành một quần thể núi đẹp.
Sông Lam dài 520km, phần chảy trong tỉnh chỉ 390km, kể từ Kỳ Sơn xuống Cửa Hội. Dòng chảy từ nguồn xuống hạ lưu theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đến chỗ hợp lưu sông La, phía Đông Bắc núi Hồng thì đổi dòng theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Diện tích toàn lưu vực 27 nghìn km2. Nguồn có độ cao trên 2.000m. Những kỳ nước lớn, từng eo, từng khúc nước đổ ầm ầm - (nhất loan, nhất khúc thủy trùng trùng - Thơ Đoàn Nguyên Tuấn). Hệ thống sông Lam gồm 151 sông, ngoài sông chính có 2 chi lưu: Sông Nghèn chảy ra Cửa Sót và Sông Cấm chảy ra Cửa Lò.
Cả sông và núi được thiên nhiên cấu trúc tôn tạo thành một “bảo tàng” lộ thiên, khách tham quan không cần gõ cửa. Các hiện vật mang một bề dày lịch sử và hầu như nguyên sơ. Hiện tại nó vẫn là vùng kỳ quan mỗi cảnh một mê say (Phong quang nhất mộng nhất kỳ quan - thơ Ngô Thì Nhậm).
Núi Hống ai đắp mà cao
Sông Rum ai bới ai đào mà sâu
Thuở còn ấu thơ, hẳn ai cũng đã từng nghe bà hát ru mình như thế, “Hống” có người chiều theo vần, vô ý là đọc là “Hồng”. Trong câu ca này phải đọc “Hống” mới đúng. Hống đối với Rum, một cặp tên nôm đối xứng. Khó mà biết được câu ca ấy đã xuất hiện từ thời nào. Chắc hẳn là xưa lắm. Ít ra cũng đã có từ thuở ông cha ta đang quen nói theo tiếng cổ, và khi đã nhận thức được rằng, cặp núi sông này có tầm cỡ lớn nhất trong vùng mình sống. Nó còn có tên là núi Lớn, sông Cả. Dân gian thường dùng “ngàn” để gọi chung cả núi và sông: Ngàn Hống, Ngàn Cả.
Nửa đêm ngong ngàn Hống
Thấy mây ấp đã quang
Canh tư vừa sang
Con chim trời vừa kêu
Con gà nhà đã gáy...
Khi chưa có chữ Nôm, ông cha ta đã phải sử dụng chữ Hán như một thứ văn tự chính thức để ghi chép giao dịch, trong đó có địa danh. Tên núi Hống - sông Rum, vốn là tiếng Nôm, được chuyển dịch sang từ Hán - Việt: Hồng Lĩnh - Lam Giang. Các văn bản Hán Nôm cổ còn lại cho chúng ta biết một tên núi Hồng mà có hai cách viết biểu thị khác nhau. Cách thứ nhất viết: Hồng () = nước lũ, nước lụt (bộ thủy bên chữ cọng). Cách thứ hai: Hồng ()= chim hồng (bộ điểu bên chữ giang). Theo từ Hán cả hai chữ “Hồng” còn có một nghĩa chung nữa là “Lớn”và đều gần đồng âm với Hống. Văn bản có từ thời Lê - Trịnh về trước, phần nhiều viết theo cách thứ nhất: Thơ Lê Hữu Trác (7), văn bia Lê Chiêu Nghi (8), chữ khắc ở chuông chùa Hương Tích, câu đối khắc ở am Thánh mẫu, cạnh chùa Hương Tích v.v... Cũng thời đó vẫn có những văn bản viết theo cách thứ hai, đó là một số sách Phong thổ ký, các văn thơ gia phả trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền, kể cả thơ chữ Hán Nguyễn Du. Từ triều Nguyễn về sau, hầu như người ta đều viết theo cách thứ hai. Có lẽ chuyển dịch theo cách đó là hợp lý hơn cả. Chỉ cần một chữ mà đủ chứa cả 3 nghĩa: vừa gần đồng âm với Hống, vừa là núi Lớn, vừa biểu thị truyền thuyết về một trăm chim Hồng. Cũng như thế, Rum được chuyển dịch thành Lam. Lam vừa gần đồng âm với Rum, vừa biểu thị màu xanh chàm của sông nước.
Tên Nôm có trước và có từ xa xưa, điều đó dễ hiểu. Nhưng tên Hồng Lĩnh, Lam Giang có từ bao giờ?. Hồng Lĩnh sơn cao/ Song Ngư hải khoát/ Nhược ngộ minh thời/ Nhân tài tú phát. Hồng Lĩnh núi cao, sông Ngư biển rộng, nếu gặp thời buổi minh thịnh, thì nhân tài xuất hiện nhiều. Câu thơ còn mang ít nhiều bóng dáng phong thủy. Nguyễn Thiếp nói, đó là câu thơ có từ đời xưa và có trích dẫn câu đó trong tập Hạnh Am thi cảo của ông. Nhưng “đời xưa” là ở thời điểm nào? Điều ta muốn biết thì không thấy ông nói.
Thời Trần, cặp núi sông đối xứng này được xuất hiện trong bài thơ Sơn hành - đi chơi núi, của Phạm Sư Mạnh: Hương Tượng phong cao môn Bắc Đầu/ Đồng Long hải khoát hộ nam chinh (Ngọn Hương Tượng cao chạm đến sao Bắc Đẩu/ Cửa bể Đồng Long rộng, giúp cho cuộc nam chinh). Hương Tượng, theo Thiên Lộc huyện phong thổ chí và sau đó là Đại Nam nhất thống chí đều xác định Hương là Hương Tích, Tượng là Thiên Tượng. Hai ngọn núi tiêu biểu trong dãy núi Hồng. Sách Đại Nam nhất thống chí dẫn sách An Nam chí nói: “núi Hương Tượng ở địa phận thuộc huyện Phi Lộc, núi rất cao lớn”. Phi Lộc nay là huyện Can Lộc, giải thích như vậy là chính xác.
Đồng Long là Cửa Hội hay Cửa Sót? Vấn đề này còn có ý kiến khác nhau. Chữ Đồng, chép theo Việt âm thi tập: Đồng = một loại kim loại. Sách Thiên Lộc huyện phong thổ chí chép: Đồng = Tuổi trẻ. Chữ đồng là trẻ này liên quan đến Chử Đồng Tử với Tiên Dung trong truyền thuyết Quỳnh Viên trên núi Nam Giới (13). Long, được giải thích là tên núi Long Ngâm, một tên khác của núi Nam Giới. Có thể vì thế có ý kiến cho rằng Đồng Long là Cửa Sót. Thơ văn Lý - Trần (Tập 2) chép bài thơ này từ Việt âm thi tập và chú thích Đồng Long, “phải chăng là tên một cửa biển thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh”. Nếu cho rằng Đồng Long là cửa sông Thanh Long, tức Cửa Hội, xác định như vậy cũng có lý của nó, bởi lẽ Đồng, chữ Hán chép trong Việt âm thi tập là sách soạn từ triều Lê, tương ứng với Đồng Trụ = Cột đồng, một tên cổ của núi Thành. Núi Thành còn là tên cổ là núi Rum. Đoạn sông đi qua đó mang tên sông Rum. Phải chăng tên sông Lam ngày nay được hình thành từ đó? Long là Thanh Long, chỉ tên sông Lam đoạn giáp khúc sông Đồng Trụ qua núi Quyết ra đến Cửa Hội. Hai đoạn sông này, có thời kỳ gọi là sông Thanh Châu, vì kiêng tên húy Trịnh Giang.
Như vậy, câu thơ đã cho biết thêm hai chi tiết - một là cách gọi tên Núi Hồng sông Rum thời đó. Hai là, bấy giờ, cặp núi sông này đã được coi như tiêu biểu cho vùng đất Châu Hoan.
Dưới thời Minh Mệnh, cặp núi sông này, một lần nữa được ghi nhận là núi sông danh thắng, lần lượt được khắc hình tượng vào đỉnh thờ của cả đất nước.
Từ khi thực dân Pháp bắt đầu sang xâm lược, nhất là trong phong trào Văn Thân, Cần Vương yêu nước và các cuộc khởi nghĩa, vận động cách mạng tiếp nối, trong văn thơ, biểu tượng núi Hồng sông Lam đã được chuyển đổi hẳn sang một hình thức diễn đạt mới. Từ hai câu thành hai vế đối như trên, đến thời kỳ này, hầu như đã chuyển thành một vế đối, để rồi đi đến hòa nhập chỉ còn một liên từ chỉ địa danh hoàn chỉnh. Chúng ta đã gặp không ít những định từ đó được xếp thành một vế đối:
Xướng nghĩa tiếng đầu, đây Nghệ Tĩnh
Giúp vua tiết lớn, có Hồng Lam
(Trích dịch câu đối điếu Lê Ninh)
Tinh anh Châu Mặc
Phong tuyết Lam Hồng
(Trích câu đối điếu Phan Đình Phùng)
Vân Lĩnh, Hoành Sơn cao thế ấy
Hồng Sơn, Lam Thủy lớn dường bao
(Trích câu đối Trần Quý Cáp điếu Phan Bội Châu)
Trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, tiếp nối vẫn còn những câu thơ đối như thế: Cả, Sâu, Phố hợp ba nguồn lại/ Tượng, Lạp, Lân ngang một dải chung/ Sông nọ quanh quanh rồng uốn khúc/ Núi kia chơm chớm phượng dương mồng (Phan Khắc Thành - Nghi Xuân), Nhớ trăng in bóng dòng sông Cả/ Nhớ gió lùa mây đỉnh núi Hồng… (Nguyễn Tiềm - Thơ ca Xô Viết Nghệ -Tĩnh).Nhưng hầu hết trong thơ ca hồi này, chúng ta đều thấy khá nhiều những từ ngữ: đất Lam Hồng, người Hồng Lam, trai gái Lam Hồng, khí phách Hồng Lam...
(…) Vùng đất Hồng - Lam qua bao thời đại biến thiên, mặc dù khi là một phủ, một trấn, khi là hai lộ, hai tỉnh, vẫn là một dải đất gắn bó truyền thống về tất cả các mặt địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục, ngữ ngôn... Là vùng lắm cảnh nhiều thơ, các nhà thơ danh tiếng qua các thế hệ, không nhiều thì ít hầu như đều đã có viết về vùng đất này. Những từ ngữ mà các nhà thơ lớp trước đã dùng để nói phong thổ, con người ở đây như hùng trấn, thắng địa, bách xuyên tôn, nhất lộ hùng, đất đứng chân, người trung nghĩa... cho phép ta nghĩ tới những gì rộng lớn hơn nhiều, chứ không chỉ đơn thuần cảnh đẹp - Ít một vùng nào giữ một vai trò to lớn đặc biệt như ở lưu vực sông Lam;…làm sống lại dĩ vãng của lưu vực này là một chứng minh có ý nghĩa đối với những ai đã từng nghiên cứu thông thạo lịch sử... (H. Le Breton, An Tĩnh xưa).
Những di tích thắng cảnh đó, từ sau cách mạng tháng 8, có những mặt đã được giữ gìn tôn tạo, mở rộng nâng cao hơn hẳn ngày xưa. Nhưng khá nhiều mặt đã bị tàn phá hủy hoại, hư hỏng mất mát đến mức nhức nhói đau lòng. Ít có nơi nào như vùng đất ta, binh hỏa triền miên trong nhiều thế hệ, thiên tai bão lụt hình như không năm nào tránh khỏi; thêm nữa, hậu quả của mọi biểu hiện ấu trĩ, những kém cỏi về hiểu biết, tình trạng vô trách nhiệm “nhiều sãi
không ai đóng cửa chùa”…; tất cả cái đó đã gây ra tai hại không nhỏ.
Chính vì vậy, còn lại những gì của di tích thắng cảnh càng quý vô cùng, càng phải chăm lo bảo vệ trên cơ sở kế thừa chọn lọc mà ra sức tôn tạo, khai thác thật tốt.
Xúc tiến điều tra một cách cơ bản, phân loại lập danh mục quy định trách nhiệm, phân cấp quản lý bảo vệ nghiêm nghặt là những công việc đặt ra hết sức cấp bách. Đây là trách nhiệm của thế hệ hiện thời trước lịch sử quê hương, đất nước và cả đối với muôn đời con cháu
Hơi dài thôi thông cảm nhé ^_^