Văn học là nhân học. Mục đích cao cả của các tác phẩm văn chương là hướng người đọc đến sự hiểu biết và ca ngợi tình yêu thương vô bờ bến giữa con người với con người. Các văn bản truyện trong chương trình Ngữ văn lớp 8 như Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố hay Lão hạc của Nam cao đã thể hiện rõ nền văn học dân tộc ta luôn ngợi ca tình yêu thương đó.
Các tác phẩm văn học này nằm trong trào lưu văn học hiện thực. Đó là trào lưu văn học gồm các nhà văn hướng ngòi bút vào việc phơi bày thực trạng bất công, thối nát của xã hội và đi sâu phản ánh thực trạng thống khổ của các tầng lớp quần chúng bị áp bức bóc lột đương thời. Nói chung các sáng tác của trào lưu văn học này có tính chân thực cao và thấm đượm tinh thần nhân đạo.
Thực tế, trong các tác phẩm văn học, lúc nào ta cũng thấy sự ngợi ca, trân trọng ấy. Ngay từ xưa, trong những câu ca dao, tục ngữ, ông cha ta cũng đã đúc kết chân lí: “Lá lành đùm lá rách” hay:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Trong những câu chuyện cổ tích, luôn có những nhân vật xuất hiện với chức năng giúp đỡ những người khác như ông Tiên, bà Tiên, ông Bụt. Đây là những nhân vật luôn được nhìn nhận với cái nhìn ngưỡng mộ và trân trọng. Thạch Sanh luôn được đề cao, chàng tốt bụng, luôn giúp đỡ mọi người nên cuối cùng có được kết cục tốt đẹp và viên mãn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người sống suốt đời “vì nước quên mình”, Bác sống cho đất nước, nhân dân. Văn học ngợi ca điều đó nên những vần thơ viết về Bác luôn là những vần thơ ngợi ca:
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ lụa tặng già”
Văn chương luôn ngợi ca những người hết lòng vì người khác, nhưng đồng thời cũng luôn lên án và phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn. Lí Thông luôn dửng dưng trước khó khăn mà Thạch Sanh gặp phải, bởi vậy hắn phải chịu kết cục bị biến thành bọ hung. Đọc Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, thấm đẫm trong từng trang văn là thái độ phê phán, chán ghét đến tận cùng của tác giả với những tên quan lại và tay sai mải chơi bài bạc, bỏ mặc cảnh lầm than của nhân dân khi chống chọi và đương đầu với lũ lụt, đê vỡ. Trong “Thời thơ ấu” của Nguyên Hồng, tác giả luôn lên án và phê phán người cô dửng dưng thờ ơ chỉ biết gieo vào đầu đứa trẻ sự thù ghét với người mẹ,... Văn chương, xét đến cùng phê phán những người dửng dưng thờ ơ trước khó khăn hoạn nạn như vậy, cũng chính bởi xuất phát từ tình thương yêu con người.
Hiểu rằng văn học ca ngợi, trân trọng và đứng về tình yêu thương, chúng ta cần tiếp nhận tư tưởng của những tác phẩm văn học như thế nào cho đúng đắn? Đối với những tác phẩm nói về những con người giàu tình yêu thương, ta tiếp nhận với thái độ ngợi ca, coi đó là tấm gương để học tập luyện rèn. Còn đối với những nhân vật văn học đại diện cho cái xấu, cái ác, ta tiếp nhận với thái độ phê phán, lên án.
Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, văn học thể hiện tinh hoa văn hóa và khẳng định sự sáng tạo nghệ thuật của con người Việt Nam. Song điều cốt lõi và cội nguồn của văn chương chính là tình yêu thương, "thương người như thể thương thân". Tiếng nói yêu thương ấy của văn chương đã cất lên ru tâm hồn ta, khiến ta sống “người” hơn.
cho mik xin 5 sao nhé