Cho đến thời điểm hiện nay, khoảng trên nửa thế kỷ sau khi truyện ngắn "Chí Phèo" ra mắt công chúng độc giả, hầu hết các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đều thống nhất khẳng định Nam Cao là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, một nhà văn tài năng, một người cầm bút có trách nhiệm và đầy tâm huyết với nghề nghiệp của mình. Một trong số những yếu tố dẫn đến tài năng đặc sắc của Nam Cao chính là khả năng hư cấu và điển hình hóa nhân vật theo cách riêng của ông. Cách ấy không có biểu hiện, hoặc biểu hiện rất mờ nhạt trong sáng tác của nhiều nhà văn nổi tiếng đương thời như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…
Theo tài liệu đáng tin cậy của các giáo sư Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức vốn là những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Nam Cao(1) đặc biệt là theo những tài liệu điền dã mà Lê Hữu Tỉnh đã công bố trên báo "Giáo dục và Thời đại" số 9 năm 1997, thì hầu hết các nhân vật nổi tiếng do Nam Cao sáng tạo, như nhân vật Thứ (Sống mòn), các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến (Chí Phèo), Lão Hạc, anh con trai Lão Hạc (Lão Hạc), Dì Hảo (Dì Hảo).v.v… đều có một phần thực ngoài đời, thậm chí đều là người làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân. Chẳng hạn, trong truyện ngắn "Lão Hạc”, nhân vật chính cùng tên vốn được xây dựng từ một ông già có tên Trùm San. Đây là một người theo đạo Thiên Chúa. Chức "trùm" của ông chỉ là do mua danh, theo kiểu "góc chiếu giữa đình" của Ngô Tất Tố, chứ thực ra Trùm San rất nghèo. Hoàn cảnh đời tư của Trùm San éo le, khắc nghiệt đúng như Nam Cao đã miêu tả hoàn cảnh của Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên. Chỉ riêng tình tiết tự vẫn bằng bả chó là không phải của Trùm San, mà là của Trùm Luông - một ông già ở gần nhà Trùm San, cũng nghèo "gia truyền", xơ xác như ông này. Ông Trùm San mới chỉ qua hơn 15 năm gần đây, thọ hơn trăm tuổi. Nhân vật anh con trai Lão Hạc vì cảnh ngộ trớ trêu, phải phẫn uất bỏ làng đi làm phu ở đồn điền cao su Nam bộ, ở ngoài đời còn có tên là Thụ, con trai độc nhất của ông Trùm San. Thời ấy, anh Thụ yêu một cô gái cùng xóm, con nhà khá giả. Do tình cảnh nghèo túng, không chạy nổi tiền thách cưới của nhà gái, anh Thụ đăng ký đi phu đồn điền cao su Nam Bộ, rồi mất tích, không có tin tức gì về gia đình. Cho đến cuối đời, ông Trùm San cũng không gặp lại được đứa con trai duy nhất của mình, giống như Lão Hạc đến cuối đời cũng không gặp được đứa con trai duy nhất mà lão hằng hy vọng, chờ mong. Trong truyện ngắn "Chí Phèo" nổi tiếng, nhân vật chính cùng tên được Nam Cao hư cấu từ một người làng Đại Hoàng, có tên là Chí, dân làng quen gọi là Chí Phèo. Người này vốn là kẻ du đãng, ngang ngược, liều lĩnh, thường rạch mặt ăn vạ, và cũng bị bọn cường hào lợi dụng, sai đi đâm chém, đòi nợ. Sau này, khi ngoài 40 tuổi, Chí Phèo chết vì ốm đau và cô độc. Theo các bậc già cả ở làng Đại Hoàng, thì làng này cũng có một người cùng quẫn, liều lĩnh như vậy. Chí Phèo không phải là trường hợp độc nhất. Ngoài nhân vật Chí Phèo, ở truyện ngắn nổi tiếng này còn có một số nhân vật khác như Thị Nở, nhân vật bà cô Thị Nở, nhân vật Bá Kiến… Các nhân vật nói trên cũng đều được hư cấu từ những người có thực ngoài đời. Cụ thể, nhân vật Thị Nở vốn được Nam Cao xây dựng từ một phụ nữ ngoài đời có tên là Nở. Chồng bà Nở tên là Đào. Vợ chồng bà Nở, ông Đào đều có diện mạo xấu xí, dị hình, dị dạng, tính tình nóng lạnh thất thường y như nhân vật Thị Nở trong truyện "Chí Phèo" vậy. Giữa gia đình Nam Cao với gia đình bà Nở, ông Đào có họ ngoại có gần gũi. Bà Nở qua đời năm 1942 trong tình trạng không con cái. Nhân vật bà cô Thị Nở ở ngoài đời là mẹ đẻ ông Đào, tức là mẹ chồng bà Nở. Người này rất khó tính, thích sống cô độc, lại hay xét nét con dâu. Đáng chú ý là nhân vật Bá Kiến. Khi hư cấu Bá Kiến, Nam Cao đã dựa sát vào một cường hào có thực ở làng Đại Hoàng, tên là Bá Bính. Theo tài liệu của Lê Hữu Tỉnh, trong cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Đạt, em ruột Nam Cao, ông này cho biết, Bá Bính ngoài đời cũng nham hiểm, tàn ác, thâm độc, chuyên "ném đá giấu tay", hệt như Bá Kiến trong tác phẩm của Nam Cao, chỉ khác là Bá Bính không bị Chí Phèo đâm chết, mà y mất tích sau kháng chiến chống Pháp. Có người đoán là Bá Bính bỏ chạy vào Nam theo Tây.
Ngoài hai truyện "Lão Hạc", "Chí Phèo", còn phải kể đến truyện ngắn "Dì Hảo" và truyện dài "Sống mòn" của Nam Cao. Nhân vật Dì Hảo trong truyện cùng tên với người ngoài đời tên là Thảo. Người phụ nữ này nghèo kiết xác, tuy không phải là họ hàng thân thích với Nam Cao, song thường đến dệt thuê cho bà ngoại nhà văn, nên được nhà văn quý trọng, coi như em mẹ, gọi là "Dì". Bà Thảo lúc sống cũng khổ cực vì chồng, giống như nhân vật Dì Hảo của Nam Cao. Sau năm 1945, bà Thảo qua đời, không con cái. Một nhân vật khác, rất đáng lưu tâm là nhân vật Thứ trong "Sống mòn". Đây chính là hình bóng của Nam Cao thời trẻ, mang tính chất tự truyện. Còn nhân vật Liên - vợ giáo Thứ, chẳng phải ai xa lạ mà chính là hình ảnh được "nghệ thuật hoá" của người vợ Nam Cao, tên là Trần Thị Sen. Tên nhân vật vợ Thứ cũng trùng với tên vợ Nam Cao, chỉ khác là một đằng gọi theo âm thuần Việt (Sen), còn một đằng gọi theo âm Hán Việt (Liên).