Trong địa lý học, vùng đồng bằng hay bình nguyên[1] là một vùng đất đai rộng lớn với địa hình tương đối thấp — nghĩa là nó tương đối bằng phẳng, với độ cao so với mực nước biển không quá 500 m và độ dốc không quá 5°. Khi độ cao không quá 200 m, người ta gọi nó là đồng bằng thấp, còn khi độ cao từ 200 m tới 500 m, gọi là đồng bằng cao. Các dạng đồng cỏ Bắc Mỹ và đồng cỏ châu Âu là các kiểu đồng bằng, và nguyên mẫu cho đồng bằng thường được coi là các đồng cỏ, nhưng các vùng đồng bằng trong trạng thái tự nhiên của chúng có thể được che phủ bằng các dạng cây bụi, đồng rừng hay rừng, hoặc thảm thực vật có thể thiếu vắng trong trường hợp các đồng bằng cát hay đá tại các sa mạc. Các kiểu vùng đất bằng khác mà thuật ngữ đồng bằng nói chung không hay ít được áp dụng là những vùng bị che phủ hoàn toàn và vĩnh cửu như các đầm lầy, các vùng đất trũng lòng chảo (playa) hay các dải băng.
Các đồng bằng đôi khi xuất hiện như là các vùng đất thấp ở vùng đáy các thung lũng nhưng cũng có trên các cao nguyênở độ cao khá lớn. Chúng có thể được hình thành từ dung nham chảy xuống, trầm lắng bởi nước (suối, sông hay biển), băng và gió, hay bởi xói mòn dưới các tác động của các yếu tố này từ các sườn đồi, núi.
Các vùng đồng bằng tại nhiều khu vực là quan trọng cho phát triển nông nghiệp, do khi đất được bồi tích như là các trầm tích thì độ sâu của nó có thể khá lớn và độ màu mỡ là khá cao, cũng như độ bằng phẳng cao thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa sản xuất; cũng như tại các đồng bằng có thể có các đồng cỏ cung cấp thức ăn cho gia súc.