1.
Thời Gia Long, nhà Nguyễn về cơ bản vẫn giữ nguyên hệ thống quan chế và cơ cấu chính quyền trung ương giống như các triều đại trước đó. Đứng đầu nhà nước là vua, nắm mọi quyền hành trong tay. Chức Tể Tướng được bãi bỏ, dùng Lục Bộ, là 6 tổ chức hành pháp cao nhất, để điều hành việc hành chính trong nước như đã được áp dụng ở các triều đại trước. Tại triều đình, trên là bốn vị đại thần, còn được biết đến là "Tứ trụ triều đình", chuyên tư vấn vua trong việc điều hành đất nước. Dưới là các cơ quan Tam Nội viện (Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện) và Thượng bảo ty giúp vua chuyên trách các công việc về văn thư, giấy tờ, quản lý ấn tín.
2.
Đạo Thiên chúa giáo truyền vào Việt Nam năm 1533, do giáo sĩ Tây dương tên là In-nê-khu đến làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định ngày nay). Đạo Thiên chúa giáo vào Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị lâm vào giai đoạn khủng hoảng, nội chiến kéo dài giữa Nhà Trịnh – Nhà Mạc, Nhà Trịnh – Nhà Nguyễn, đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong, Đàng Ngoài. Về kinh tế, đời sống nhân dân khó khăn, quan hệ giữa các vua, chúa Việt Nam và các nước phương Tây như: Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan chủ yếu là trao đổi hương liệu quý và mua vũ khí phục vụ cuộc chiến tranh trong nước.