I, Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Viễn Phương
+ Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kí chống Mĩ cứu nước.
- Giới thiệu tác phẩm:Viếng lăng Bác
+ Bài thơ "Viếng lăng Bác" được viết năm 1976, trong dịp nhà thơ Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ.
+ Thi phẩm đã thể hiện lòng thành kính của Viễn Phương và của mọi người đối với vị cha già kính yêu.
- Giới thiệu khái quát khổ thơ hai và ba của bài.
B. Thân bài
1. Cảm xúc của nhà thơ Viễn Phương qua khổ thơ thứ hai
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"
- Hai câu thơ kết hợp tài tinh giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ. "Mặt trời đi qua trên lăng" là mặt trời của thiên nhiên vũ trụ ấm nóng, tỏa ánh sáng và mang lại sự sống cho muôn loài. Từ hình ảnh tả thực, nhà thơ liên tưởng tới một "mặt trời trong lăng" chỉ Bác Hồ.
+ Hình ảnh ẩn dụ này thể hiện được sự tôn kính của nhà thơ, khẳng định công lao to lớn, vĩ đại của Bác. Bởi lẽ Bác đã đem ánh sáng cách mạng, dẫn lối, chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm: của lịch sử Bác như một vị thánh cứu cả dân tộc ra khỏi cuộc đời nô lệ hơn tám mươi năm...
+ Kể làm sao cho hết công lao của Người? Chính vì thế, dường như chỉ ví Bác với mặt trời thôi thì chưa đủ, Viễn Phương còn nhấn mạnh đặc tính nổi bật nhất của cái quầng sáng thiêng liêng ấy: "rất đỏ".
- Cùng với hình ảnh mặt trời trong lăng, nhà thơ còn xây dựng thêm những hình ảnh rất đẹp thể hiện tình cảm chân thành của nhân dân đối với Bác:
"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"
+ Ngày ngày dòng người từ khắp các phương trời nối nhau vào lăng viếng Bác trong niềm thương nhở khôn nguôi.
+ Dòng người ấy kết thành những "tràng hoa"
2. Cảm xúc của nhà thơ Viễn Phương qua khổ thơ thứ ba
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
- Thi hài của Bác đặt trong tủ kinh pha lê trong suốt.
+ Không gian trong làng trang nghiêm với ánh sáng dịu nhẹ ấm áp của ánh đèn khiến nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền". Đây là một sự liên tưởng thú vị, thể hiện nhà thơ Viễn Phương thực sự yêu kính, am hiều Bác. Bởi lẽ trăng luôn là người bạn tri âm tri kỉ với Bác. "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhóm khe cửa ngắm nhà thơ" (Ngắm trăng).
+ Có thể nói, những hình ảnh "mặt trời – cuộc đời", "vầng trăng - giấc ngủ" là những ẩn dụ được viết lên qua trí tưởng tượng bay bổng và sự thấu hiểu những vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chi Minh của nhà thơ.
- "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
+ Hai câu thơ có sự đối lập giữa lí trí và tình cảm, giữa cái vĩnh cửu và cải hữu hạn. Bác như "trời xanh" còn mãi mãi. Bác về với tổ tiên, hóa thân thành một phần của thiên nhiên đất nước, bất diệt cùng sông núi. Lí trí thì xác định là thế nhưng tình cảm lại "nghe nhói ở trong tim".
+ Động từ "nhói" đặt chính giữa ở câu thơ như một vết khứa đậm sâu trong trải tin nhà thơ, thể hiện niềm đau nhức nhối đến tận tâm can, nỗi đau vượt lên trên mọi lập luận của lí trí.
C. Kết bài
- Khẳng định giá trị của tác phẩm
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm
II, Bài văn tham khảo
Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kí chống Mĩ cứu nước. Bài thơ "Viếng lăng Bác" được viết năm 1976, trong dịp nhà thơ Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Thi phẩm đã thể hiện lòng thành kính của Viễn Phương và của mọi người đối với vị cha già kính yêu. Điều này được thể hiện rõ nét qua khổ thơ hai và ba của bài.
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"
Hai câu thơ kết hợp tài tinh giữa hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ. "Mặt trời đi qua trên lăng" là mặt trời của thiên nhiên vũ trụ ấm nóng, tỏa ánh sáng và mang lại sự sống cho muôn loài. Từ hình ảnh tả thực, nhà thơ liên tưởng tới một "mặt trời trong lăng" chỉ Bác Hồ. Hình ảnh ẩn dụ này thể hiện được sự tôn kính của nhà thơ, khẳng định công lao to lớn, vĩ đại của Bác. Bởi lẽ Bác đã đem ánh sáng cách mạng, dẫn lối, chỉ đường cho đất nước đi qua bao thăng trầm: của lịch sử Bác như một vị thánh cứu cả dân tộc ra khỏi cuộc đời nô lệ hơn tám mươi năm... Kể làm sao cho hết công lao của Người? Chính vì thế, dường như chỉ ví Bác với mặt trời thôi thì chưa đủ, Viễn Phương còn nhấn mạnh đặc tính nổi bật nhất của cái quầng sáng thiêng liêng ấy: "rất đỏ". Màu sắc "rất đỏ" làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp gây ấn tượng sâu sắc gợi lên sự vĩnh hằn , trường tồn bất diệt của Bác với thiên nhiên vũ trụ, với dân tộc.
Cùng với hình ảnh mặt trời trong lăng, nhà thơ còn xây dựng thêm những hình ảnh rất đẹp thể hiện tình cảm chân thành của nhân dân đối với Bác:
"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"
Ngày ngày dòng người từ khắp các phương trời nối nhau vào lăng viếng Bác trong niềm thương nhở khôn nguôi. Dòng người ấy kết thành những "tràng hoa" tươi thắm dâng lên Bác. "Tràng hoa" không chỉ là hình ảnh tả thực mà còn là ẩn dụ đầy sáng tạo. Dường như, mỗi người dân Việt Nam dang dâng lên Người những thành quả tốt đẹp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cuộc đời vị lãnh tụ còn được nhà thơ ca ngợi qua hình ảnh hoán dụ "bảy mươi chín mùa xuân". Bác đã sống trọn vẹn một cuộc đời đẹp như những mùa xuân và làm nên những mùa xuân cho đất nước. Hai tiếng "ngày ngày" được điệp lại hai lần diễn tả tình cảm của nhân dân với Bác trải dài cũng như quy luật của thiên nhiên đất trời. Tấm lòng thành kính, biết ơn, thủy chung son sắt của nhà thơ, của nhân dân cả nước đối với Bác đời đời bền vững.
Theo bước chân của dòng người vào trong lăng, cảm xúc của nhà thơ nghẹn ngào:
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
Thi hài của Bác đặt trong tủ kinh pha lê trong suốt. Ngắm nhìn Người, nhà thơ cảm thấy Bác như đang say sưa trong giấc ngủ giữa đất trời bình yên trên quê hương yêu dấu. Không gian trong làng trang nghiêm với ánh sáng dịu nhẹ ấm áp của ánh đèn khiến nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền". Đây là một sự liên tưởng thú vị, thể hiện nhà thơ Viễn Phương thực sự yêu kính, am hiều Bác. Bởi lẽ trăng luôn là người bạn tri âm tri kỉ với Bác. "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhóm khe cửa ngắm nhà thơ" (Ngắm trăng). Nếu như ở khổ thơ thứ hai, Bác như mặt trời rực rỡ thì đến khổ thơ này, Bác như vầng trăng trong sáng, dịu hiền. Có thể nói, những hình ảnh "mặt trời – cuộc đời", "vầng trăng - giấc ngủ" là những ẩn dụ được viết lên qua trí tưởng tượng bay bổng và sự thấu hiểu những vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chi Minh của nhà thơ. Đồng thời, ta nhận ra trong hình ảnh ẩn dụ ấy là niềm kính yêu vô hạn của nhà thơ đối với Bác. Nhưng tình yêu càng lớn thì niềm đau cũng càng trào dâng mãnh liệt khi nhà thơ đối diện với sự thật:
"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
Hai câu thơ có sự đối lập giữa lí trí và tình cảm, giữa cái vĩnh cửu và cải hữu hạn. Bác như "trời xanh" còn mãi mãi. Bác về với tổ tiên, hóa thân thành một phần của thiên nhiên đất nước, bất diệt cùng sông núi. Lí trí thì xác định là thế nhưng tình cảm lại "nghe nhói ở trong tim". Sự thật là Bác đã ra đi mãi mãi. Động từ "nhói" đặt chính giữa ở câu thơ như một vết khứa đậm sâu trong trải tin nhà thơ, thể hiện niềm đau nhức nhối đến tận tâm can, nỗi đau vượt lên trên mọi lập luận của lí trí. Có thể nói, trong khổ thơ này, sự hòa trộn giữa tình cảm và lí trí đã tạo nên một hình tượng thơ độc đáo về nỗi đau mất mát và tình thương đối với lãnh tụ kính yêu.
Bài thơ có giọng điệu thiết tha, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc. "Viếng lăng Bác" là tấm lòng của những người con miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh của người dân Việt Nam. Sự nghiệp và tên tuổi của Người mãi mãi khắc sâu trong kí ức của người dân Việt Nam. Mỗi học sinh phải không ngừng học hỏi, tu dưỡng đạp đức góp phần nâng cao vị thế của nước nhà trên trường quốc tế.