ĐỌC, TÓM TẮT NGẮN GỌN (5-7 DÒNG) VÀ RÚT RA BÀI HỌC CỦA
CÁC CÂU CHUYỆN SAU:
1. Người cha được tạo ra như thế nào?
Khi ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị
sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc:
“Thưa ngài, tại sao người cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ
con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi
nguời. Thật bất tiện!”. Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý.
Thế nhưng nếu ta để cho nguời cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết
lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”. Thấy Trời nặn đôi bàn tay nguời cha to và thô
ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những
bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, nguời cha chật vật lắm mới
có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con
gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt
mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cuời đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi
đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”.
Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn người cha với một đôi vai rộng,
lực lưỡng. “Tại sao ngài phí thế?”, nữ thần thắc mắc. “Thế người cha sẽ đặt con
ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi
xem xiếc về khuya?”. “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông
Trời đáp.
Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên. Ngài cho
tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của
người cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối
cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt nguời cha vài
giọt nuớc mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra
người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của người cha,
mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.
Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha
cũng đáng yêu như người mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra”
2. Chiếc bát vỡ
Ở thành phố kia có một bác thợ rèn, bác có một người con trai duy nhất. Bác
rất quý anh vì từ bé tới lớn anh đều là một con người xuất chúng. Anh vừa đẹp
trai vừa giỏi giang, làm bố rất tự hào.
Một ngày nọ, không may cậu bị tai nạn xe hơi, tuy giữ được tính mạng
nhưng lại bị mất cả hai chân. Tuyệt vọng, hàng ngày anh ngồi ủ rũ trong phòng,
im lặng nhìn ra cửa sổ.
Một lần, vì quá đau khổ, anh tìm cách tự tử bằng cách uống thuốc ngủ, nhưng
may thay cha anh kịp thời phát hiện đưa anh tới bệnh viện, cứu anh qua cơn
nguy kịch.
Một ngày sau người con trai tỉnh, bác thợ rèn mang đồ ăn tới cho con. Anh con
trai tức giận hất đổ khay đồ ăn, rồi chỉ chiếc bát vỡ dưới nền, nói:
– Cha à, cha cứu con làm gì, cuộc đời con giờ như chiếc bát vỡ kia rồi, mãi mãi
không lấy lại được nữa!
Người cha già tội nghiệp lặng lẽ xoa đầu người con trai, vỗ về rồi giúp
anh nằm nghỉ. Xong ông dọn dẹp những thứ dưới đất, đôi mắt ông đỏ hoe.
Một tuần sau anh được đưa trở nhà. Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát
sắt. Anh lấy làm lạ lẫm.
– Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?
– Ưm…ý cha là? – Anh ấp úng nói.
– Chính là chiếc bát sành hôm trước đó con, cha cho nó vào lò nung, cho thêm
sắt nữa, rồi đúc ,thế là nó trở thành chiếc bát sắt này đó con.
Ông tiếp:
– Con à, cuộc đời chúng ta có lúc sẽ như chiếc bát vỡ. Nhưng chỉ cần ta cho
thêm khát vọng sống rồi nung trong ý chí, xong đúc trong tình yêu thì mọi
chuyện sẽ lại ổn con à. Thì dù có đập, có ném thế nào ta cũng sẽ không bao giờ
vỡ nữa đâu con.
– Vâng, thưa cha, con đã hiểu.
Nói rồi anh vươn người ôm lấy cha mình. Cả hai cha con cùng khóc vì xúc
động.