(?) Cái chết của Vũ Nương nói nên điều gì?
- Qua cái chết của Vũ Nương, tác giả đã phản ánh chân thực số phận bất hạnh, đầy bi kịch của người phụ nữ.
- Thể hiện hạnh phúc mong manh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Vũ Nương chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Khi lấy chồng, hạnh phúc chưa được bao lâu thì chồng phải đi lính. Lúc có con thì chồng đi xa, lúc chồng về thì gia đình tan vỡ.
- Qua số phận bi thảm và cái chết đầy oan uổng của Vũ Nương, tác giả đã khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương - một người phụ nữ đức hạnh, thủy chung, hết sức coi trọng danh dự và nhân phẩm của mình, thà chết chứ không chịu sống trong ô nhục.
(?) Nguyên nhân gây bi kịch cho Vũ Nương?
- Nguyên nhân trực tiếp:
+ Do lời nói ngây thơ, hồn nhiên của bé Đản, lời nói của bé Đản: "Trước đây có một người đàn ông đêm nào cũng đến" đã làm bùng phát cơn giận dữ, ghen tuông mù quáng trong lòng Trương Sinh, dẫn đến bi kịch gia đình. Cái bóng đã thắt chặt Vũ Nương vào nỗi oan khuất, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bi kịch của gia đình.
+ Do Trương Sinh đa nghi, ghen tuông mù quáng, mất lòng tin ở vợ, không biết suy xét, dẫn đến cách cư xử hồ đồ, nhẫn tâm đẩy Vũ Nương vào cái chết đầy oan ức. Bi kịch của gia đình Vũ Nương là bi kịch của việc mất lòng tin.
- Nguyên nhân gián tiếp:
+ Do chiến tranh phi nghĩa đã gây nên sự xa cách chia lìa. Vì chiến tranh nên Trương Sinh mới phải đi lính, để lại Vũ Nương sống trong cảnh cô đơn nên phải lấy cái bóng của mình để an ủi con, và đó cũng chính là đầu mối gây nên sự hiểu lầm và cái chết của nàng.
+ Do xã hội phong kiến nam quyền bất công, trọng nam khinh nữ, không bảo vệ được quyền sống cho người phụ nữ.