A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Tố Hữu
+ Tố Hữu là “lá cờ đầu tiên của thơ ca cách mạng” Việt Nam hiện đại.
+ Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng.
+ Giọng thơ ông ngọt ngào, tâm tình, thương mến và phong cách thơ đậm đà tính dân tộc.
+ Trong 60 năm sáng tác, Tố Hữu đã cho ra đời 7 tập thơ.
- Giới thiệu tác phẩm: Từ ấy
+ “Từ ấy” được rút từ phần “Máu lửa” của tập thơ cùng tên. Đến với bài thơ, người đọc sẽ bắt gặp niềm say mê lý tưởng và niềm khát khao được chiến đấu, hi sinh cho các mạng trên tinh thần lạc quan chiến thắng của một người thanh niên cộng sản.
- Giới thiệu khái quát về niềm vui của nhà thơ Tố Hữu trong đoạn thơ.
B. Thân bài
* Dẫn dắt: Theo Tố Hữu thơ là “tiếng nói hồn nhiên của tâm hồn con người”. Cái hồn nhiên trong thơ Tố Hữu có lẽ bắt đầu từ cái duyên may khi ông bắt gặp được lý tưởng cách mạng ngay từ khi mới bước vào độ tuổi thanh niên, độ tuổi mà người ta rất cần lý tưởng để theo đuổi và phấn đấu hết mình vì nó. Vì thế khi mà đang “Bâng khuâng đứng trước hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?” chàng thanh niên trẻ tuổi ấy đã bộc bạch niềm vui sướng vô hạn khi bắt gặp lý tưởng cách mạng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
- Một vấn đề chính trị, vấn đề lí tưởng sống, nhưng đã được tác giả thể hiện bằng một hình thức “rất đỗi trữ tình”. Niềm vui ấy được thể hiện một cách tự nhiên và thành thực. “Từ ấy” là thời điểm không xác định nhưng được coi là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt trọng trong đời cách mạng và đời thơ của Tố Hữu. Đó là thời điểm tác giả được giác ngộ cách mạng, được dẫn dắt vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
+ Liên hệ: Vì thế sau này khi nhớ lại thời điểm “Từ ấy”, Tố Hữu vẫn xúc động:
“ Từ ấy đã ba mươi năm chẵn
Cuộc đời ta theo Đảng tiến lên
Đường xa bao nỗi truân chuyên
Ngọn đèn đêm gió, con thuyền biển khơi”.
- Cùng thời với nhân vật trữ tình, những năm ba mươi ấy, khi mà cách mạng Việt Nam còn hoạt động bí mật, có rất nhiều thanh niên Việt Nam có tấm lòng yêu nước thương nòi, nhưng họ đã không thể hoặc không có cơ hội để đến với cách mạng. Lớp thanh niên ấy đã rơi vào tâm trạng bế tắc, chán chường, người thì tìm đến với thế giới cô đơn, người lại tìm đến với thế giới tưởng tượng để trốn tránh hiện thực hoặc tìm quên bằng những cách của riêng mình. Tâm trạng bế tắc của lớp thanh niên ấy được thể hiện rất rõ trong thơ mới.
+ Liên hệ: Ví như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:
“Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”.
=> Nhưng nhân vật trữ tình của bài thơ may mắn hơn. Tố Hữu đã tìm ra con đường đi cho cuộc đời mình, đó là con đường chung của cả dân tộc.
- Ánh sáng cách mạng đã đến với Tố Hữu khi ông “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” vì thế Tố Hữu đã đón nhận ánh sáng ấy bằng tất cả sự hồn nhiên và lãng mạn nhất.
+ Với động từ “bừng” không những tác động 1 cách mạnh mẽ, bất ngờ, đột ngột mà còn diễn tả sự bừng tỉnh, giác ngộ trong nhận thức của nhà thơ về lý tưởng Cộng sản.
+ Bên cạnh đó, động từ “chói” vừa diễn tả độ chói sáng, sức xuyên thấu mạnh mẽ kì diệu của ánh sáng lý tưởng; vừa diễn tả được cảm xúc rất đỗi thiêng liêng tự hào khi được giác ngộ.
=> Hai động từ mạnh đã cho thấy ánh sáng của lí tưởng đã hoàn toàn xua tan cái giá lạnh và sự u ám bởi bóng tối của xã hội cũ và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
+ Liên hệ: Câu thơ của Tố Hữu làm tôi nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên khi viết về thời khắc Bác Hồ bắt gặp lí tưởng Cộng sản:
“Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Bác Hồ rơi trên chữ Lê nin”
(Người đi tìm hình của nước)
=> Nếu như Bác Hồ bắt gặp lý tưởng Cộng sản bằng sự thâm trầm, xúc động thì nhà thơ Tố Hữu đón nhận lí tưởng cách mạng bằng ngọn lửa của một tâm hồn tuổi trẻ giàu nhiệt huyết.
- Lí tưởng cộng sản được nhà thơ gọi tên bằng các hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ” và “mặt trời chân lý”. Không phải những tia nắng mùa xuân ấm áp, duyên dáng, “nắng hạ” mang ánh vàng rực rỡ, chói lòa khiến con người không khỏi bỡ ngỡ ngượng ngùng. Ánh nắng ấy được vầng thái dương ban phát muôn loài, để vạn vật được tồn tại và cống hiến hết mình cho cuộc đời. Cũng chỉ có ánh nắng ấy mới toả được sự chói chang rực rỡ của lí tưởng cách mạng, mới diễn tả được hết sự sửng sốt và choáng váng của nhà thơ khi đứng trước cái lí tưởng rực rỡ như thế. Soi tỏ vào bài thơ này ta mới thấy hết được nguồn cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước ánh sáng huy hoàng của chân lý.
“Mặt trời chân lý chói qua tim”
+ Không phải “Mặt trời chân lí” chói qua óc mà chói qua tim: lí tưởng ấy có ý nghĩa với cả người chiến sĩ Tố Hữu và nhà thơ Tố Hữu, bởi khi nó đã “chói qua tim” thì có nghĩa là nó đã lay động đến phần sâu xa nhất của con người, làm bừng sáng con người và ở lại mãi mãi trong con người ấy.
+ Tác động tới “trái tim” của nhà thơ, điều ấy nói lên lí tưởng cộng sản là 1 lí tưởng nhân văn, nhân bản, gần gũi con người, đem lại hạnh phúc cho con người, được con người đón nhận – mà ở đây là đón nhận bằng “trái tim”, bằng cả tấm lòng thiết tha và tự nguyện.
- Hình ảnh “mặt trời chân lí chói qua tim” là 1 sáng tạo mới mẻ và có chiều sâu của Tố Hữu trong thơ trữ tình cách mạng VN lúc bấy giờ. Thời ấy thơ ca cách mạng còn dùng những hình ảnh ước lệ như “cửa đối lập”, “đèn tự do”, “hòn máu nóng”,… thì Tố Hữu đã sử dụng hình thức Thơ mới để tạo ra tiếng nói mới cho thơ ca cách mạng. Và hình ảnh trên là 1 đóng góp có ý nghĩa làm cho thơ trữ tình cách mạng có hình thức hiện đại và giàu sức hấp dẫn đối với tuổi trẻ.
- Hai câu thơ tiếp theo đem lại cảm giác thỏa mãn giác quan cho người đọc:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
+ Câu thơ thật bay bổng và lãng mạn, diễn đạt trọn vẹn niềm vui sướng tột độ của một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết khi bắt gặp chân lí, tìm ra con đường lí tưởng của cuộc đời. Đó là gắn trọn cuộc đời với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước vĩ đại của dân tộc.
+ Tố Hữu đã sử dụng phép so sánh độc đáo “ hồn tôi là một vườn hoa lá” xanh tươi và tràn ngập hương sắc, ánh sáng đã làm cho thế giới tinh thần, hồn thơ tươi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, yêu đời, yêu cuộc sống từ hình tượng vô hình trừu tượng thành cái cụ thể, sinh động và hữu hình. Ánh sáng chói lọi của lý tưởng, nguồn sống mãnh liệt của mặt trời cách mạng tác động vào tâm hồn nhà thơ, tạo ra sự biến đổi sâu sắc.
+ Trước khi bắt gặp lý tưởng cách mạng, người thanh niên trí thức trẻ này sống một cách buồn bã, ảm đạm, lụi tàn như mảnh vườn trong mùa đông giá lạnhnhưng sau khi được gặp và giác ngộ được lý tưởng cách mạng cuộc sống lẫn tâm hồn của nhà thơ như môt mảnh hồn thơ đầy hương sắc giữa mùa xuân, mang đến nguồn sinh lực dồi dào cho biết bao tâm hồn trẻ trung, nhiệt huyết.
+ Nhịp thơ sôi nổi cùng với hai tính từ “đậm”, “rộn” được dùng thật thẩm mỹ, đặc biệt với lối vắt dòng đặc sắc, hai câu thơ của Tố Hữu diễn tả chân thực, tinh tế bao cảm xúc dâng trào, niềm vui, niềm hạnh phúc vô hạn trong buổi đầu gặp gỡ lý tưởng.
=> Chỉ với hai câu thơ này đã cho thấy TH đón nhận ánh sáng của cách mạng bằng tâm hồn lãng mạn, trẻ trung với tất cả khát vọng và say mê náo nức. Đó chính là cuộc gặp gỡ thiêng liêng, nó có sức mạnh soi đường dọi lối và không chỉ có ý nghĩa làm tái sinh cuộc đời mà còn tạo ra cả 1 hồn thơ, đời thơ của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu.
C. Kết bài
- Khẳng định giá trị của tác phẩm
- Tình cảm của em dành cho tác phẩm
Khổ đầu bài thơ là tiếng hát dạo đầu thể hiện niềm vui sướng tột độ của người con đất Việt gặp được chân lí, tìm được con đường lí tưởng của đời mình. Đặt trong bối cảnh nước nhà bấy giờ, có một bộ phận thanh niên chán ngán xã hội đương thời, tù túng với cuộc sống thực tại mà không tìm được con đường đi đúng đắn, họ chìm đắm trong thuốc phiện và rượu cồn, từng bước từng bước hủy hoại bản thân cả về thể lực lẫn lí trí thì “Từ ấy” như một lời tuyên ngôn của bản thân Tố Hữu. Nó tác động sâu sắc đến tư tưởng và tình cảm của độc giả. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ song mỗi khi “Từ ấy” vang lên, mỗi người trẻ hôm nay đều có những cảm xúc tích cực và quyết tâm tu thân, rèn luyện, bảo vệ Tổ quốc.