"Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi, để sóng cuốn trôi…"
Những câu thơ, lời hát đầy ý nghĩa ấy ca ngợi tấm lòng của con người trong cuộc sống. Con người sống trên cuộc đời, ai ai cũng nên có một tấm lòng, một lẽ sống, một khát vọng sống đúng đắn. Và Thanh Hải đã có một khát vọng, một ước nguyện sống đẹp. "Mùa xuân nho nhỏ" là thi phẩm nói lên điều ấy. Đặc biệt, hai khổ thơ 4, 5 của tác phẩm đã thể hiện vẻ đẹp của một cuộc đời với những khát khao dâng hiến mãnh liệt.
Nếu khổ thơ 1, 2, 3, tác giả Thanh Hải khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, cúa đất trời xứ Huế thì đến khổ 4, 5 dòng cảm xúc đã chuyển sang sự suy tư, mạch lạc với những suy ngẫm triết lí về cuộc đời. Mùa xuân của quê hương đất nước được hiện lên với những niềm khát khao hi vọng cháy bỏng:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến".
Điệp từ "ta" được lặp lại tới ba lần, "ta làm" được lặp lại như một khát khao cống hiến mãnh liệt. Tác giả muốn hóa thân thành "con chim" để góp tiếng ca cho đời, để đem lại niềm vui cho mọi người, muốn hóa thân thành "cành hoa" để tô điểm, tô sắc thêm cho cuộc đời và muốn "nhập vào hòa ca" để góp một tiếng nhạc hay cho mai sau. Sau cùng, tác giả mong muốn trở thành "Một nốt trầm xao xuyến" trong bản nhạc đầy thanh âm của cuộc sống. Sự cống hiến ấy lặng lẽ, âm thầm, không phô trương, xa hoa, không câu lệ. Tất cả đều bình dị, nhẹ nhàng. Một ước mơ nhỏ nhoi, giản dị đến vô cùng. Ước nguyện sống ấy vô cùng cao đẹp. Không chỉ cho riêng nhà thơ, mà còn cho mọi người, cho dân tộc, cho đất nước. Khát vọng ấy vượt qua tất cả mọi khuôn khổ, giới hạn. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, cái khát vọng cao quý ấy cũng không bị dập tắt. Tác giả vẫn tràn đầy niềm tin, hi vọng và động lực vào cuộc sống, vào khát vọng cống hiến của bản thân.:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Mùa xuân nho nhỏ ấy là mùa xuân của tác giả, mùa xuân trong lòng của một thi sĩ đang chống chọi với bệnh tật nhưng có khát vọng lớn lao, cao cả. Mùa xuân nho nhỏ ấy nguyện góp chung vào mùa xuân lớn của toàn dân tộc. Và mùa xuân ấy chỉ "lặng lẽ dâng cho đời" mà thôi, không quá phô trương, xa hoa, một mùa xuân lặng lẽ nhưng lớn lao. Dù tuổi tác có hai mươi hay là khi tóc đã điểm bạc, dù già hay trẻ, ở bất kì độ tuổi nào, đều có mong muốn hiến dâng cho Tổ quốc những gì tươi đẹp nhất của cuộc đời.
Đọc cả bài thơ nói chung và đặc biệt là khổ thơ 4,5 nói riêng của thi phẩm Mùa xuân nho nhỏ, người đọc càng thêm trân quý những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Một nhà thơ yêu đất nước, yêu tổ quốc đến da diết, mong muốn trở thành một phần nhỏ của mùa xuân dân tộc. Đọc xong thi phẩm, những khát khao cháy bỏng của con người như được tiếp thêm động lực, những ước nguyện thanh xuân của các bạn trẻ như có thêm niềm tin mãnh liệt. Mỗi người hãy tạo ra mùa xuân riêng trong lòng mình, mùa xuân chung của tất cả mọi người. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả Thanh Hải muốn gửi gắm qua tác phẩm này.