"Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ viết trên giường bệnh mà sao vẫn tươi thắm một tinh thần lạ quan, yêu đời, vẫn bừng lên một sức sống mãnh liệt. Từ những cảm nhận về vẻ đẹp của đất trời xứ Huế vào xuân, vẻ đẹp của những con người đang "hối hả xôn xao " xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhà thơ cất lên tiếng hát:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa "
Tiết tấu câu thơ sôi nổi với nhịp thơ 2/3 của thể thơ 5 chữ kết hợp với âm "a " vang mở như một lời ca trong sáng, hào hứng mà rất tự nhiên. Điệp ngữ "Ta làm " nhấn mạnh ý thức tự nguyện của nhà thơ. Các chọn hình ảnh cũng tự nhiên mà hợp lí: "con chim ", "cành hoa " vốn nhỏ bé trong đời, nhưng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, hoa tỏa hương khoe sắc tô điểm cho mùa xuân đất mẹ. Lấy cái đẹp của thiên nhiên để thể hiện cái đẹp của lòng người, nhà thơ nói lên ước vọng tha thiết và khiêm tốn muốn góp phần nhỏ bé làm nên mùa xuân đất nước.
Trong bản nhạc hòa ca chung của đất nước đang hối hả xôn xao "đi lên phía trước ", tác giả ước nguyện:
"Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến"
Nhịp điệu dồn dập, lôi cuốn như thúc giục lòng người "nhập vào hòa ca", là nhập vào cuộc sống vui tươi, sinh động để xây dựng và phát triển đất nước. Trong cuộc sống ấy, tác giả nguyện làm "Một nốt trầm xao xuyến ". Không phải là một âm thanh cao vút, véo von, chỉ đơn sơ là một nốt nhạc trầm trong cái bè trầm làm nền của bản hòa ca, nhưng phải là nốt nhạc say đắm làm "xao xuyến " tâm hồn. Nghĩa là những cống hiến tuy khiêm tốn, nhỏ bé nhưng có ích cho đời.
Tiếng chim, cành hoa , nốt nhạc góp phần làm nên mùa xuân trong tâm hồn tác giả:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời "
Tâm niệm của nhà thơ thật cảm động: muốn sống một cuộc đời đẹp như mùa xuân, giữ tâm hồn tràn đầy sức sống như màu xuân. Nhưng chỉ là "mùa xuân nho nhỏ ', vì mùa xuân lớn thuộc về đất trời, về xã hội không một cá nhân nào làm nổi. Nhưng mỗi cá nhân có thể đóng góp mùa xuân của cuộc đời riêng cho mùa xuân của cuộc đời chung làm cho nó phong phú, rực rỡ thêm. Đến đây, ta hiểu ý nghĩa nhan đề "Mùa xuân nho nhỏ ". Thật đáng quý thay ước nguyện khiêm tốn mà vô cùng chân thành, cảm động của nhà thơ. Không ồn ào, khoa trương mà chỉ "Lặng lẽ dâng cho đời "
Cảm động hơn nữa, nhà thơ mong ước: dù khi đã qua tuổi xuân của mình, vẫn được là mùa xuân nho nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao của đất nước:
"Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Vẫn là nhịp thơ 2/3 sôi nổi, hào hứng, ở đây điệp ngữ "Dù là " trong cái thế cân đối, nhịp nhàng của hai câu thơ vang lên như một lời khẳng định để tự dặn dò mình: phải kiên trì, vượt qua tuổi già, bệnh tật để sống cống hiến cho đời. Hình ảnh hoán dụ "tuổi hai mươi ", "tóc bạc " với kết cấu đối lập giữa hai câu trên và hai câu dưới chứng tỏ nhà thơ ý thức được cái giới hạn của cái vô hạn của đất nước mà đem lại mùa xuân nho nhỏ của đời mình góp vào mùa xuân lớn lao của đời chung