Câu 1. Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG HIỀN TÀI
Từ thời Lí, nhất là thời Trần, Hồ, Lê sơ, sự tôn trọng và sử dụng người có học vấn cao đã trở thành một quy tắc trong việc xây dựng bộ máy quản lí của triều đình. Những người thi đạt học vị cao thì được nhận chức cao ở triều đình, thi đạt học vị thấp thì làm quan ở các lộ, phủ, huyện. Theo sách “Kiến văn tiểu lục”, những người thi đỗ tiến sĩ thời Lê được đãi ngộ rất hậu, được giao các chức Thị lang, Thượng thư, đỗ cử nhân được bổ tri phủ, tri huyện.
Chính sách phong tước cho quý tộc đời Trần quy định những chức vụ mà chỉ những người trong tông tộc mới được làm như: Tể tướng, Phiêu kị tướng quân, các triều còn có chế độ ban quốc tính cho những người có công như Lí Thường Kiệt tên thực là Ngô Tuấn, được làm em nuôi vua và mang họ Lí. Phí Công Tín, Đỗ Kính Tu, Mẫn Du cũng được nhà Lí cho sang họ vua. Đồng thời, có thời còn dùng cả phép tiến cử như Chu Văn An, tuy không đi thi, nhưng vì có tài học rộng vẫn được vua Trần vời vào làm chức Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng), Đoàn Nhữ Hài chỉ là một nho sĩ trẻ tuổi, nhờ vào một bài biểu tạ tội làm hộ vua Trần Anh Tông mà được vào làm quan trong triều đình, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Mại là những nho sĩ có tài đều được cân nhắc bổ dụng.
(Theo Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)
a) Đoạn văn sử dụng phép lập luận nào?
b) Luận điểm chính là gì?
c) Để làm sáng tỏ cho luận điểm, tác giả đã đưa ra hệ thống luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng) nào?
d) Từ đoạn văn trên, em có suy nghĩ gì về việc sử dụng nhân tài của nước ta trong thời kì đổi mới?
Câu 2. Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi:
“Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần nào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất cho Chính phủ… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.”
(Trích Tinh thần yêu nước của nhân dân ta – Hồ Chí Minh)
a) Tìm hai câu văn nêu luận điểm trong đoạn văn trên. Chúng nằm ở các vị trí nào của đoạn văn? Điều đó có tác dụng gì cho chuỗi lập luận.
b) Để chứng minh cho luận điểm, tác giả đã sử dụng luận cứ nào? Hãy chỉ rõ các dẫn chứng ấy.
c) Cách nêu dẫn chứng của tác giả trong đoạn văn có gì đặc biệt? Tác dụng của nó là gì?