1,
Truyền thống xây dựng đất nước là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay. Truyền thống xây dựng đất nước đó được bao thế hệ cha ông nối tiếp duy trì bằng tất cả sức lực, máu, mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả tính mạng. Để có thể tiếp nối được truyền thống tốt đẹp ấy của cha ông, mỗi thế hệ trẻ đều cần ý thức được trách nhiệm và bổn phận cao cả đó của mình. Để có thể kế thừa được, mỗi học sinh, người trẻ đều cần học tập thật tốt để có thể không ngừng tích lũy thật nhiều kiến thức cho bản thân mình. Chẳng những thế, mỗi thế hệ trẻ còn cần không ngừng tích lũy cho mình những kỹ năng làm việc quý báu và phẩm chất đạo đức toàn diện của một người công dân. Nhờ vậy, ta mới có đủ hành trang để có thể cáng đáng và gánh vác truyền thống xây dựng đất nước. Việc mà ta có thể làm đó là không ngừng đóng góp cho sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng, của những người xung quanh. Tiếp theo, ta cần dùng những kiến thức mà mình đã được học để đóng góp cho sự phát triển của nước nhà, đi lên của đất nước trong khả năng của bản thân. Tóm lại, việc giữ gìn và phát huy truyền thống xây dựng đất nước là trách nhiệm và bổn phận to lớn của tất cả thế hệ trẻ ngày nay.
2,
Học tập là quá trình mà con người trải qua từ lúc lọt lòng đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Học hành giống như một món ăn, một động lực bắt buộc con người phải làm nếu như không muốn bị tụt hậu trong xã hội hiện đại. Học tập dù dưới bất cứ hình thức nào thì cũng mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Thứ nhất, học để trang bị kiến thức để tồn tại, để làm việc và hạnh phúc hơn. Khi học tập, quan sát và áp dụng, con người có xu hướng áp dụng những kiến thức hay về mình rồi qua 1 số lần thất bại và thành công, con người thu nạp được những kiến thức để cuộc sống tốt hơn. Thứ hai, học giúp khẳng định mình. Khi chúng ta trang bị kiến thức thì chúng ta sẽ sẵn sàng để làm việc và chinh phục những khó khăn gian nan. Dần dần qua những năm tháng ấy, chúng ta dần có tiếng nói và khẳng định mình là ai trong lĩnh vực mình yêu thích. Thứ ba, học giúp chúng ta định hình cuộc sống. Qúa trình học tập là quá trình cả đời, nếu chúng ta ngừng học thì tức là chúng ta không còn sống. Vì còn sống là còn phải học. Tóm lại, việc học là việc quan trọng cả đời, và mỗi chúng ta đều cần đầu tư cho việc học của mình.
3.
Nếu như hai khổ thơ đầu diễn tả ông đồ thời hoàng kim thì hai khổ thơ tiếp theo đã thể hiện được sự chuyển biến của thời thế mà những người thuộc thế hệ trước như ông đồ dần bị quên lãng đến xót xa. "Nhưng mỗi năm mỗi vắng/Người thuê viết nay đâu?" chính là câu nghi vấn không có câu trả lời của chính ông đồ và tác giả về sự chuyển biến của xã hội. Những hình ảnh thơ "giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu" đã cho thấy một nỗi buồn thấm đượm cả không gian vì sự thay đổi thời thế của xã hội. Thật vậy, khi xã hội và đất nước chuyển sang giai đoạn du nhập văn hóa phương Tây và Nho học thất thế, ông đồ dường như cũng bị lãng quên và gạt ra khỏi lề của cuộc sống. Tác giả Vũ Đình Liên đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa qua từ "buồn không thắm, đọng trong nghiên sầu". Sự lãng quên và thất thế của ông đồ xưa, của nền văn hóa Nho học xưa như lan tỏa cả không gian. Kết quả là, giấy đỏ vì nỗi buồn ấy mà dường như chẳng còn sắc thắm, mực thì đọng lại. Phải chăng, hình ảnh giấy đỏ và mực là nỗi buồn thương của chính tác giả. Nỗi sầu và buồn của tác giả lan toả khắp không gian và in hằn lên đồ vật, gợi ra thời kỳ chuyển giao của thời đại. Tóm lại, hình ảnh thơ đã thể hiện nỗi buồn sâu sắc và man mác của tác giả, của thời thế về sự chuyển giao của xã hội, ông đồ và những lớp người xưa cũ bị lãng quên. Hình ảnh thơ tiếp theo cũng khiến cho người đọc cảm thấy vô cùng đau lòng và xót xa. "Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay" cho thấy sự tồn tại của ông đồ hoàn toàn đi vào quên lãng đến xót xa. Ông như bất động và bị gạt ra khỏi lề của dòng chảy thời gian và không gian. Chẳng còn ai chú ý đến ông nữa. Chỉ hình ảnh "Lá vàng rơi trên giấy/Ngoài giời mưa bui bay" cũng cho thấy nỗi buồn buốt giá thấu tim can bao trùm cả không gian và lòng người. Lá vàng rụng xuống như sự lụi tàn của chính nền Nho học còn những hạt mưa chỉ làm lòng người trở nên đau xót và buồn thương.
*** câu phủ định và trợ từ được in đậm