Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sính, Nguyễn Minh Thọ, Trần Văn Thọ,
Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt,
Phạm Xuân Yêm
Nội dung
Tóm tắt
1. Mở đầu
2. Việt Nam nhìn từ thế giới bên ngoài
3. Việt Nam hiện nay: thực trạng và nguyên nhân
4. Cải cách vì một nước Việt Nam giàu mạnh và tự chủ
5. Kết luận
Tóm tắt:
Việt Nam chúng ta đang đứng trước một khúc ngoặt lịch sử. Theo dõi những
diễn tiến của xã hội Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây, chúng tôi thật
sự lo âu về tương lai của đất nước. Bản ý kiến này không nêu lại những thành
tựu Việt Nam đã đạt được, mà tập trung vào vấn đề nội lực Việt Nam đang suy
yếu: Kinh tế bấp bênh, giáo dục và y tế xuống cấp, khoa học và công nghệ non
yếu, đạo đức xã hội suy thoái, tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước nhiều bất
cập. Trong lúc đó, kinh tế ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và đe dọa về an
ninh từ nước láng giềng phương Bắc ngày càng rõ nét.
Năm 2008 lần đầu tiên thu nhập đầu người của Việt Nam vượt qua ngưỡng
1.000 USD, thoát ra được vị trí của nước thu nhập thấp. Nhưng ta đã mất gần
35 năm kể từ khi đất nước thống nhất, nếu kể từ khi đổi mới cũng gần một thế
hệ mới đạt được thành quả còn khiêm tốn này. Trong cùng thời gian đó, nhiều
nước ở châu Á đã đạt thành quả được cả thế giới ngưỡng mộ. So với các nước
trong vùng và trên thế giới có cùng điều kiện phát triển trước đây, nước ta hiện
nay vẫn còn ở vị trí rất thấp trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục đến
khoa học. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà
Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra vẫn còn rất xa. Hiện nay chưa có dấu hiệu cho
thấy Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm
2020.
Khi phân tích vấn đề, chúng tôi thấy có hai nguyên nhân sâu xa, liên quan đến
thể chế nói chung, và cơ chế tuyển chọn người lãnh đạo và quản lý nhà nước