Sau đây, mình chia sẻ ngắn gọn về 1 số lưu ý khi đi thi.
1. Reading
- Trong 10 ngày trước khi thi, mình luyện được 5-6 đề trong Cam 9 và 11. Kết quả cũng tuỳ vào độ tập trung của hôm làm đề, hôm nào đầu óc còn lo lắng chuyện khác thì thường thấp hơn 1 chút.
- Cho tới trước khi thi 1 ngày, mình đọc được 1 tips rằng đọc đoạn nào thì làm tất cả câu hỏi có liên quan đến đoạn đó luôn, kể cả Matching.
- Trước đây, bài Matching chúng ta luôn có thói quen để cuối cùng, với lầm tưởng là khi đó nắm được nội dung bài sẽ làm dễ hơn. Thực tế mà nói, điểm reading của mình tăng giảm là bị vào bài Matching. Đơn giản là đến cuối cùng, bị áp lực thời gian không nói, nhiều khi chẳng nhớ nội dung của nó là gì, thấy na ná như nhau.
- Vào ngày trước khi thi 1 ngày ấy, mình vào American Center ở gần Giảng Võ, mới lôi Cam 8 ra làm thử 1 passage theo cách trên thì đúng 10/10.
- Đến ngày thi, mình áp dụng cách trên và làm bài rất nhanh. Chính vì làm bài nhanh mà mình lại đâm ra chủ quan. Mình đã nghĩ mình được 9.0 reading nhưng thực tế chỉ được 8.0 do sơ suất đâu đó.
--> Vậy nha, đọc đoạn nào, làm hết các câu hỏi liên quan ở đoạn đó, dù bài 1 là T,F,NG còn bài 2 là Matching. Bạn sẽ thấy làm câu nào chắc câu đó luôn.
2. Listening
- Mình thuộc thể loại học hành bay bổng, không thể nào chăm chú ngồi ôn luyện được. Nên điểm listening của mình cũng không hề ổn định. Thời gian nào chăm nghe thì tốt, còn không thì thê thảm.
- 1 vấn đề nữa khi làm listening là chúng ta hay mất tập trung. Sai 1 câu là dễ để lỡ thông tin của 1 loạt câu phía sau.
- Trong vài lần làm đề, mình tiến bộ hơn nhờ vào việc dành thời gian chữa bài.
Tuy nhiên, KEY ở đây lại nằm ở chỗ có 1 lần nghe, mình phát hiện ra rằng bất kể là nghe MAP hay bài nghe nhanh thế nào đi nữa, nếu MÌNH NGHE ĐỂ HIỂU chứ không phải NGHE ĐỂ LÀM CÂU HỎI thì kết quả sẽ khả quan hơn.
Hãy hình dung lại, khi làm bài Listening, chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào câu hỏi, nhìn vào key-word trong câu hỏi, rồi có khi chờ mãi chưa thấy họ nói đến câu đó, hoặc mang máng nói đâu đó rồi, có vẻ nghi nghi thì đã chuyển qua nội dung câu khác.
Trong khi đó, khi bạn nghe và thực sự liên kết toàn bộ nội dung bài nghe, bạn sẽ rất nhạy cảm và nắm được câu trả lời.
Bằng cách này, bạn nghe được thông tin nào là chắc câu trả lời đúng, chứ không có kiểu hoang mang, hên xui.
--> Nhớ nè, làm gì cũng cần có TÂM. Nghe ielts cũng vậy. Hãy để TÂM vào bài nghe, thực sự hiểu họ đang nói về cái gì chứ đừng chăm chăm vào từng câu hỏi riêng rẽ.
3. Speaking
- Thực sự thì mình cũng biết kha khá nhiều từ để tăng band điểm. Nhưng nhiều khi, việc nghĩ cách chèn từ hay vào làm mình nói bị khiên cưỡng và lắp, rồi dẫn đến run và nói không ra gì.
- Trước khi đi thi, mình nghĩ bình thường nói thế nào, thì lúc đó nói vậy, cứ coi như đang trao đổi với bạn bè, hoặc được phỏng vấn.
- Trước khi đi thi 1 ngày, mình vẫn không tập trung ôn nổi, đi American Center xong thì còn hẹn cafe với 1 bạn người nước ngoài. Bạn ấy khuyên mình rằng bình thường năng lượng của mình khi nói chuyện rất tốt, hãy đem năng lượng đó vào phòng thi và truyền năng lượng đó cho giám khảo.
- Khi ấy thì mình không tin vì giám khảo được đào tạo để chấm. Nhưng năng lượng tốt thì hẳn cũng chẳng mất mát gì.
- Hôm ấy vào phòng thi, giám khảo trung trung tuổi, chẳng cười nói gì. Nhưng mình thì vừa nói vừa cười (đừng cười 1 cách khả ố nhé, vừa đủ thôi), và thể hiện quan điểm cá nhân của mình.
- Mình không hề nhớ ra cần thêm từ tăng band nào, và đang nói part 2 thì bị ngắt lời.
- Hôm ấy đi thi về, mình có đọc trên page và nghe mọi người nói giám khảo ở phòng 2 của mình lạnh lùng, không tương tác làm mọi người run. Nhưng mình thì lại thấy tuyệt vời, cảm giác đến chém gió xong về.
4. Writing
Thực sự là nhận kết quả Writing xong không tin nổi là lại kém đến vậy. Mà điểm kém thì thôi khỏi chia sẻ nha. ^^
Vậy thôi, chốt lại là, nếu bạn xem Tiếng Anh là 1 hành trình học và tận hưởng nó, thì vào phòng thi, chỉ cần mang NÃO và TÂM (để tâm) là được. Nhiều khi mẹo này nọ hay ôn luyện chỉ mình ielts để rồi rơi rớt và không áp dụng được trong đời sống thì cũng uổng.