Bài Ngắm trăng (Vọng nguyệt) đúng là một cuộc vượt ngục về tinh thần của người tù cách mạng Hồ Chí Minh.
Bài thơ Ngắm trăng được viết trong nhà tù. Hồ Chí Minh ngắm trăng trong hoàn cảnh bị đoạ đày trong nhà tù vô cùng cực khổ. Người không có những điều kiện tối thiểu để thưởng trăng. Không những không có rượu, không có hoa để tận hưởng cảnh trăng đẹp (nhà nho xưa thường uống rượu ngắm hoa dưới trăng, lòng tràn đầy cảm hứng), mà còn không có cả tự do. Thế nhưng người tù cách mạng này đã thưởng trăng một cách trọn vẹn, đầy đủ, không hề vướng bận bởi sự thiếu thốn về vật chất và về tình trạng bị giam cầm. Hồ Chí Minh ung dung thưởng thức cảnh trăng đẹp với một tâm hồn rất nghệ sĩ. Như vậy, nhà tù chỉ có thể giam cầm được thân thể của Hồ Chí Minh nhưng không thể giam cầm được tinh thần của Người, đúng như Người đã viết: “Thân thể ồ trong lao – Tinh thần ở ngoài lao”. Bài thơ cho thấy, tuy bị giam cầm nhưng trước cảnh trăng đẹp, tâm hồn người tù cách mạng Hồ Chí Minh đã vượt ra ngoài song cửa buồng giam để đến với vầng trăng sáng. Vì vậy, có người đã nói rất đúng rằng bài thơ là một cuộc vượt ngục về tinh thần của người tù cách mạng Hồ Chí Minh.