A. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Hàn Mặc Tử
+ Là đốm lửa cháy mãnh liệt của phong trào Thơ Mới, người khởi xướng ra “Trường thơ Loạn”
- Giới thiệu tác phẩm: Đây thôn Vĩ Dạ
+ "Đây thôn Vĩ Dạ" được in trong tập thơ "Điên". Bài thơ được ông viết khi nhận được bức ảnh chụp về phong cảnh Huế kèm theo mấy lời thăm hỏi của người bạn gái có tên là Hoàng Cúc.
+ Nói về tác phẩm này, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nói: "Đây thôn Vĩ Dạ" là một thi phẩm toàn bích, nghĩa là câu nào chữ nào cũng hay, hay từ gốc đến ngọn".
- Giới thiệu khái quát về ý kiến, khổ thơ một.
B. Thân bài
1. "Đây thôn Vĩ Dạ" là bức tranh phong cảnh xứ Huế
- Bài thơ không bắt đầu bằng 1 câu thơ tả cảnh mà bắt đầu bằng 1 câu hỏi tu từ:
"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"
+ Câu thơ thoáng qua như lời trách khéo nhẹ nhàng pha chút hờn dỗi, tiếc nuối của ai đó. Có thể là 1 lời chào mời thiết tha chân thành của con người Huế: khách hãy đến thăm để thưởng thức khung cảnh thiên nhiên đẹp đến dễ say lòng người. Và của thể là lời tự vấn chính mình của thi nhân: sao lâu quá không trở về thôn Vĩ. Nhưng trên hết đó là câu hỏi khơi gợi cho nhà thơ biết bao kỉ niệm, hình ảnh về thôn Vĩ.
- Hơn thế nữa, nhà thơ còn khiến người đọc thích thú khi sử dụng cách dùng từ tinh tế "chơi". Tại sao nhà thơ không dùng từ "thăm" mà lại dùng từ "chơi". Nếu như "thăm" mang 1 màu sắc xã giao, có 1 khoảng cách nhất định thì "chơi" nghe sao mà giản dị, chân thành, sao mà thổn thức như tiếng mẹ quê hương gọi đứa con xa trở về! Biết bao nhiêu tình cảm được chở chứa trọn vẹn trong hai chữ giản đơn ấy. Chỉ vậy thôi mà sao ta thấy ý thơ dâng đầy nỗi xót xa.
- Bằng ngòi bút tài hoa, Hàn Mặc Tử đã họa lên bức tranh ngôn từ về vẻ đẹp thôn Vĩ Dạ:
"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"
+ Thôn Vĩ Dạ dưới cái nhìn của thi sĩ ngập trong nắng. Vẻ đẹp của làng quê Việt Nam mới chân phương, bình dị làm sao! Bức tranh sơn dầu với quang phổ tỏa ra lấp lánh, nhè nhẹ rơi từng hạt, từng hạt óng ánh vàng vào cõi lòng người đọc.
+ Chính bởi vậy, người đọc cảm nhận cảnh sắc không chỉ qua thị giác mà còn qua những xúc cảm, rung động của trái tim. Giữa không gian đầy nắng ấy, thẳng tắp vươn lên những thân cau như nét bút muốn khuấy động cả khoảng trời trong trẻo. Trong khu vườn thôn dã, cau là loài cây cao nhất, đón nắng đầu tiên. Bởi vậy, thứ "nắng hàng cau" là thứ nắng trong trẻo nhất, thuần khiết nhất.
* Liên hệ: Nếu như các nhà thơ khác trong phong trào Thơ Mới thường miêu tả cảnh vật với vẻ đẹp rợi buồn:
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều"
("Tràng giang" – Huy Cận)
Hay:
"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng"
("Đây mùa thu tới" – Xuân Diệu)
=> Thì Hàn Mặc Tử, dù trong rất nhiều bài thơ khác đã bày tỏ một nỗi đau nghẹn ứ, đau thấu tâm can, ngay cả tình cảnh của ông khi viết "Đây thôn Vĩ Dạ" cũng ngập trong đớn đau của căn bệnh nghiệt ngã, ấy vậy mà với thôn Vĩ, ông vẫn để ngòi bút tuôn trào trong cảm hứng tươi sáng nhất, đầy sức sống.
- Đại từ phiếm chỉ "ai" khiến cho câu thơ thêm phần ý vị, mang âm hưởng của điệu Nam Ai, Nam Bình, của điệu hò trên sông Hương. "Vườn ai" không chỉ riêng một khu vườn cụ thể nào mà tựa như theo từng nhịp bước chân của người phiêu lãng, theo dấu cuộc hành trình trong tâm tưởng, hai bên đường đều là những mảnh vườn như thế.
- Đắm chìm trong sắc xanh của cây lá miệt vườn, Hàn Mặc Tử chợt nảy ra một sáng tạo nghệ thuật độc đáo: "mướt quá". "Mướt" là trạng thái mỡ màng, tươi tốt, căng tràn sức sống, ánh lên sắc xanh ngọc bích dưới nắng hồng của bình minh. Hẳn khu vườn phải được chăm sóc hết sức tỉ mỉ, cẩn thận bởi một bàn tay khéo léo. Hay do chính nhà thơ cũng cẩn thận nâng niu, gìn giữ, ươm trồng từng phiến lá trong tâm khảm của mình nên mới có thể thoát lên thành ý thơ đẹp đẽ đến vậy!Hình ảnh so sánh "xanh như ngọc" là nét vẽ thần tình tô đậm hồn cây lá trong "vườn ai", người đọc tưởng như có thể nghe thấy tiếng nhựa sống chuyển mình xôn xao trong tán lá, thấy hương vườn yểu điệu bước ra. Tất cả đều rạo rực, hân hoan một niềm vui tươi mới.
- Giữa màu xanh cây lá, thấp thoáng hình bóng con người:
"Lá trúc che ngang mặt chữ điền"
Người con gái xứ Huế thường gắn với tà áo dài tím mộng mơ, chiếc nón bài thơ "mang hình bóng quê hương",… Nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử, thiếu nữ ấy lại e ấp "che ngang" gương mặt sau "lá trúc". Cây trúc trong thi ca trung đại vốn biểu tượng cho người quân tử. Nơi mảnh vườn "xanh như ngọc" ấy lại có một người con gái nhẹ nhàng, e ấp mượn "lá trúc che ngang" gương mặt. Vẻ đẹp ấy thực sự giàu giá trị, vừa hồn hậu, mỏng manh, dịu dàng, lại vừa cứng cáp, tràn đầy sức sống, dẻo dai, bền bỉ, mang cốt cách của tao nhân nghìn xưa.
2. "Đây thôn Vĩ Dạ" là tâm cảnh
- Ở câu thơ "Sao anh không về chơi thôn Vĩ", tác giả khiến người đọc ngạc nhiên khi ông sử dụng 6/7 từ là thanh bằng như diễn tả tất cả sự xốn xang, sự bâng khuâng, tha thiết của thi nhân hướng về xứ Huế. Nhà thơ sử dụng câu hỏi tu từ ngay ở câu thơ đầu, khác nào đặt một niềm thắc mắc, dằn vặt xuyên suốt cả thi phẩm. Để rồi ở tứ thơ nào, hình ảnh nào, dù đẹp đến đâu thì người đọc cũng chợt bâng khuâng nhận ra một nỗi nhớ, nỗi sầu ứ nghẹn bên trong.
- Hơn hết, ta vốn biết đây chẳng phải là cảnh vật do chính tác giả tận mắt trông thấy mà chỉ được điểm xuyến từ những hồi ức trong trí nhớ. Hẳn là tình yêu dành cho xứ Vĩ ấy phải lớn lao đến nhường nào mới có thể khiến những kí ức mờ nhòa trở nên sống động, chân thực đến kì lạ. Hàn Mặc Tử đã phủi đi lớp bụi mờ của thời gian, đem vẻ đẹp từ quá khứ của thôn Vĩ Dạ vượt qua những đớn đau của thể xác, tinh thần để đến thực tại.
=> Khổ thơ đầu đã kết tinh nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo. Thể thơ thất ngôn vừa cổ điển, trang trọng lại vừa chân phương, dạt dào xúc cảm. Hình ảnh thơ tuy chỉ là những kí ức mờ nhòa và qua tấm bưu ảnh nhưng lại hết sức sống động, đẹp đẽ. Ngôn ngữ thơ giản dị mà chọn lọc, hàm súc. Đặc biệt, nhà thơ đã thổi hồn vào cảnh vật, để chúng thay mình giãi bày tâm trạng. Tình và cảnh, cảnh và tình đan xen nhau tạo nên cấu tứ rất riêng, rất "Hàn Mặc Tử", thể hiện một tình yêu đến đau đớn với cuộc đời trần thế. Từ nơi đầy rẫy đau thương, thi sĩ vẫn dành những gì đẹp đẽ nhất, trong lành nhất để gửi đến xứ Huế yêu thương, gửi đến người con gái ông từng khao khát trao tấm chân tình.
C. Kết bài
- Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến trên
- Tình cảm của em và người đọc dành cho tác phẩm
Theo dấu những vần thơ của Hàn Mặc Tử, người đọc như lạc trong cuộc hành trình từ thực tại đến mơ ảo, "vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh…"(Hoài Thanh). Dù thời gian đã trôi qua rất lâu song bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" vẫn để lại ấn tượng trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc. Bài thơ là một trong số những tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ thi sĩ họ Hàn, một tâm hồn nhạy cảm với đời, với tình yêu, cuộc sống.