3.Khu vực Đông Nam Á nằm ở phía đông nam châu Á, nơi tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ân Độ Dương, có vị trí cầu nối giữa lục địa Á - Âu với lục địa Ô-xtrây-li-a. Đông Nam Á bao gồm một hệ thống các bán đảo, đảo và quần đảo đan xen giữa các biển và vịnh biển rất phức tạp.
Đông Nam Á có vị trí địa - chính trị quan trọng, đây là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa lớn và cũng là nơi các cường quốc thường cạnh tranh ảnh hưởng.
Đông Nam Á gồm hai bộ phận : Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á biển đảo.
Đông Nam Á lục địa có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam hoặc hướng bắc - nam, nhiều nơi núi lan ra sát biển. Giữa các dây núi là các thung lũng rộng : ven biển có các đồng bằng phù sa màu mỡ của những con sông lớn như sông Mê Công thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt là việc gieo trồng lúa nước.
Đông Nam Á lục địa có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Tuy vậy, một phần lãnh thổ Bắc Mi-an-ma, Bắc Việt Nam có mùa đông lạnh.
Đông Nam Á biển đảo là một trong những khu vực tập trung đảo lớn nhất thế giới, bao gồm nhiều quần đảo và hàng vạn đảo lớn, nhỏ.
Đông Nam Á biển đảo ít đồng bằng, nhiều đồi, núi và núi lửa. Núi thường có độ cao dưới 3000 m. Đồng bằng lớn chỉ tập trung ở các đảo Ca-li-man-tan. Xu-ma-tra, Niu Ghi-nê... ; các đồng bằng này có đất đai màu mỡ vì là đất phù sa có thêm các khoáng chất từ dung nham của núi lửa được phong hóa.
Đông Nam Á biển đảo nằm trong hai đới khí hậu : khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu xích đạo