Văn hóa phương Đông và phương Tây từ ngàn xưa đã có sự khác biệt. Có thể nói qua một số điểm khác biệt cơ bản như: Thứ nhất, sự khác biệt trong cách nhìn nhận và đánh giá về thế giới xung quanh. Người phương Tây ngay từ thời cổ đại đã có cách nhìn nhận triết học dưới các hình thức thế giới quan khác nhau, thậm chí đối lập nhau; có thế giới quan duy vật – duy tâm, có thế giới quan lạc quan, tích cực – bi quan, tiêu cực. Trong đó, những người có thế giới quan tích cực, lạc quan thường đại diện cho xu hướng tư duy tiến bộ, đồng tình và ủng hộ cho sự phát triển của khoa học. Còn những người có thế giới quan duy tâm, bi quan, tiêu cực thì thường có tư duy phản tiến bộ, không tin vào sự phát triển của khoa học. Trong thói quen tư duy của mình, người phương Tây xem thế giới rõ ràng có hai màu đen hoặc trắng chứ không có thế giới lẫn lộn hai màu đen – trắng. Trái lại, người phương Đông do tính khép kín trong sự phát triển của nền văn hóa nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa phong kiến nên cách nhìn nhận và đánh giá về thế giới thường phức tạp hơn. Trong nhận thức của mình, người phương Đông cho rằng thế giới không phải là những mảnh ghép rời rạc nhau mà là một thể thống nhất như một số lý thuyết về “tam tài” – trời, đất, người; “thiên nhân hợp nhất” – trời với người là một. Đây chính là cơ sở để hình thành thói quen đề cao văn hóa cộng đồng, coi nhẹ văn hóa cá nhân – nét khác biệt căn bản của văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây. Do ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp, ít cạnh tranh, nên người phương Đông hạn chế về tri thức khoa học, mang nhiều yếu tố duy tâm, siêu hình, tin vào những điều kì lạ mà trời đất, thần thánh mang tới cho thế giới. Thứ hai, sự khác biệt về phương thức tư duy và văn hóa ứng xử. Đây là điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa hai nền văn hóa này. Người phương Đông đề cao trực giác, nghĩa là chỉ chú trọng trực quan cảm tính, bề ngoài mà ít nghiên cứu sâu tới các chi tiết bên trong. Trong ứng xử, người phương Đông thường đề cao nhận thức kinh nghiệm, coi nhẹ vai trò của lý luận, tri thức khoa học. Lối tư duy này bộc lộ hạn chế như sự cả tin, nể nang, mất đi tính lý luận sáng suốt trong đánh giá và đưa ra kết luận một cách khoa học; coi trọng đạo đức hơn tài năng, coi trọng tình cảm hơn lý trí. Người phương Tây thì lại có thói quen dựa vào tư duy duy giác, lý trí, chú trọng đến giai đoạn nhận thức lý tính. Do đó, trong ứng xử người phương Tây thường phân định rõ ràng, xét đến tính thực tế trong nhận thức và hành động. tuy nhiên, phương thức tư duy này cũng bộc lộ những hạn chế là sự máy móc, thực dụng, ích kỷ, khả năng thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh bị hạn chế. Thứ ba, sự khác biệt về chủ thể văn hóa. Do ảnh hưởng thói quen của phương thức sản xuất nông nghiệp, nên chủ thể văn hóa của người phương Đông là tập thể, cộng đồng, nghĩa là lối nhận thức dựa vào số đông. Ưu điểm của văn hóa này là có thể phát huy sức mạnh của cộng đồng nhưng nó cũng hạn chế sự phát triển sáng tạo, vượt trội của cá nhân và có thể dễ dàng để cá nhân lợi dụng tập thể để lạm quyền. Ngược lại, người phương Tây lại coi trọng chủ nghĩa cá nhân, nghĩa là phản đối sự can thiệp, tác động từ bên ngoài cho dù sự can thiệp đó là của xã hội, nhà nước hay bất kì một thể chế nào. Chủ nghĩa cá nhân bộc lộ khả năng nhận thức và hành vi ứng xử mang tính cá nhân, nhưng nó dẫn tới khuynh hướng cực đoan, ích kỷ, coi nhẹ vai trò của cộng đồng khiến cho người phương Tây thường có tính thực dụng, vị kỷ. Thứ tư, sự khác nhau về tôn giáo và đức tin. Đa số các cộng đồng người phương Tây đều theo Thiên chúa giáo, do đó trong ý thức về tôn giáo của họ Thiên chúa có vị trí và ý nghĩa rất lớn. Trong cộng đồng người phương Đông, đức tin lại có vẻ phức tạp hơn. Người phương Đông có đức tin về các tôn giáo khác nhau, phổ biến như Phật giáo, Hồi giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, ngoài ra còn có các tín ngưỡng tôn giáo khác. Do đặc điểm không thuần nhất về tôn giáo nên các nước phương Đông có nền văn hóa bản sắc đặc trưng khác nhau đối với từng dân tộc, vùng miền. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, sự giao lưu giữa văn hóa phương Đông và phương Tây tạo nên những cơ hội để các quốc gia tiếp thu và phát huy những khía cạnh tích cực, góp phần làm giàu hơn bản sắc văn hóa của dân tộc. Việt Nam là một quốc gia phương Đông, nên trong quá trình phát triển chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa này. Tuy nhiên, trong thời kỳ mở cửa giao lưu và tiếp thu văn hóa như ngày nay, chúng ta không thể nằm ngoài xu hướng giao lưu hòa nhập đó. Do vậy, để phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra, chúng ta cần: Thứ nhất, cần tạo lập một môi trường văn hóa đa dạng, giao lưu giữa văn hóa hiện đại phương Tây với văn hóa truyền thống của dân tộc. Thứ hai, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của văn hóa Đông – Tây trong việc tạo lập một nền văn hóa mới. Thứ ba, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập chứ không hòa tan. Như vậy, việc nghiên cứu tìm ra sự khác nhau giữa văn hóa phương Đông và phương Tây là điều kiện để thấy rõ hơn sự cần thiết phải kết hợp hai nền văn hóa này đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa của một quốc gia trong giai đoạn hiện nay.