Khỉ là loài động vật có cấu tạo cơ thể gần giống với con người nhất. Chúng còn có thể biểu lộ cảm xúc trên gương mặt tương tự như chúng ta. Gương mặt của những con khỉ đều khác biệt nhau. Một số loài khỉ rất xinh xắn, một số có khuôn mặt dữ tợn, một số lại có cái bờm như sư tử, một số có cái mũi rất to…Chúng dùng khuôn mặt của mình để thu hút bạn tình và để làm dấu hiệu nhận biết đồng loại trong khi tìm kiếm thức ăn.
Loài khỉ sở hữu đến 3 cách di chuyển. Khi bước đi và chạy, chúng sử dụng cả 2 tay và 2 chân. Trong khi đó, khi ở trên cây, chúng chỉ dùng 2 chi trước để chuyền từ cành cây này sang cành cây khác.Trong trường hợp di chuyển trên cây, cái đuôi của loài khỉ giúp chúng giữ thăng bằng rất tốt.
Các nhà khoa học đã phân chia loài khỉ thành 2 nhóm là khỉ cổ thế giới và khỉ tân thế giới. Cả hai nhóm có rất nhiều điểm giống nhau. Tuy nhiên, số lượng của 2 nhóm là không tương đồng. Có đến 96% loài khỉ cổ thế giới sinh sống trong các cánh rừng và khu vực đồng cỏ ở Châu Phi và Châu Á. Trong khi đó, 65% loài khỉ tân thế giới sống ở Trung và Nam Mỹ, phần lớn phân bố trong những cánh rừng ẩm ướt. Mặt khác, mũi và các lỗ mũi của loài khỉ cổ thế giới thường nhỏ hơn và nằm sát vào nhau hơn loài khỉ tân thế giới. Thông thường, các loài khỉ cổ thế giới sẽ có cơ thể to lớn hơn.
Đối với loài khỉ, cái đuôi đóng vai trò rất quan trọng. Hầu hết loài khỉ sống trên cây, vì thế, để giữ thăng bằng khi nhảy từ cành cây này sang cành cây khác, khỉ sẽ phải nhờ đến cái đuôi của mình. Tuy có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau nhưng cái đuôi của tất cả các loài khỉ trên thế giới đều có thể cầm nắm được. Như vậy, cái đuôi có chức năng tương tự như bàn tay, giúp chúng leo trèo qua các cành cây. Đuôi của loài khỉ tân thế giới thường dài hơn và khéo léo hơn các loài khỉ cổ thế giới.
Nhiều loài khỉ cổ thế giới sống trên mặt đất có đuôi ngắn và lớp da mông xù xì. Với chúng, việc sở hữu một cái mông màu hồng rực rỡ trở thành niềm tự hào và sẵn sàng phô trương cho những con khác chiêm ngưỡng.
Bàn tay của loài khỉ đặc biệt giống bàn tay con người. Nó cũng có móng tay, đầu ngón tay, vân tay khác biệt nhau, và cũng hữu ích như bàn tay chúng ta. Với ngón cái dài và mềm dẻo, loài khỉ có thể cầm nắm đồ vật, hái lá cây, nhặt thức ăn một cách dễ dàng. Thậm chí, chúng còn có thể dùng tay lấy cái gai ra khỏi lòng bàn chân bị thương.
Loài khỉ có cuộc sống gia đình riêng của mình. Khỉ con thường bám chặt vào cơ thể mẹ khi con khỉ mẹ leo trèo hay tìm kiếm thức ăn. Đến khi ngừng di chuyển, khỉ mẹ ôm con mình vào lòng để bảo vệ chúng. Loài khỉ có thời thơ ấu kéo dài đến 3 năm hoặc hơn thế nữa. Ngay khi có thể rời khỏi vòng tay bố mẹ, khỉ con bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống bầy đàn. Dần dần, khỉ con học được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như leo trèo, chạy trốn kẻ thù như rắn, sư tử, báo đốm Châu Phi, beo hay các loài linh trưởng khác; tìm kiếm thức ăn…
Loài khỉ còn biết cách thể hiện tình yêu thương của mình đến đồng loại. Chúng nằm co rúc vào nhau khi thời tiết lạnh, chải lông hay dùng tay vạch lông của nhau để nhặt chấy, rận, bụi đất, các loài côn trùng hay da khô. Không chỉ giúp nhau vệ sinh cơ thể, nhặt sạch ký sinh trùng, hành vi chải lông của loài khỉ còn mang thông điệp thân thiện của chúng dành cho nhau.
Tuy nhiên, cuộc sống của loài khỉ đôi khi xảy ra rất nhiều tranh cãi. Chúng cũng tỏ ra cáu gắt, giận dữ bằng cách nhe răng và nhép môi khi đối mặt với kẻ thù. Đây là hành động đe dọa đối phương và cũng là một cách thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
Loài khỉ là loài động vật ăn tạp, nghĩa là chúng ăn thực vật lẫn động vật. Chúng ăn tất cả mọi thứ, từ trái cây, hạt, lá non cho đến các loại côn trùng, ấu trùng. Tuổi thọ của loài khỉ trung bình từ 10 năm đến 46 năm.
Là loài động vật thông minh, khỉ rất hay được sử dụng trong các rạp xiếc vì chúng có thể thực hiện những màn trình diễn liều lĩnh và độc đáo, hơn cả con người.