Lía trở thành thủ lĩnh của một phong trào Cảnh chặn đường cướp giật đã chấm dứt. Thay vào đó là chủ trương cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo. Phong trào ngày càng phát triển thu hút đông đảo nông dân tham gia. Tiếng tăm nghĩa quân lan rộng khắp trong vùng. Truông Mây được xây dựng thành một căn cứ vững chắc, là đại bản doanh của nghĩa quân.
Có lần chúa Nguyễn có tổ chức thi võ tại thành Quy Nhơn để chọn người tài cầm quân đánh Trịnh. Lía cùng cha Hồ chú Nhẫn cải trang xuống núi thi tài. Trước cảnh quan giám khảo tham ô hối lộ bắt những sĩ tử nộp tiền đút lót, chàng bất bình trở về căn cứ Truông Mây, tập hợp binh sĩ đốt phá trường thi, giết quan giám khảo. Tuần phủ Quy Nhơn cho cho quân truy kích nhưng đến Truông Mây thì bị chặn đứng. Một đêm, Lía đem theo một ít quân tinh nhuệ bí mật theo đường núi xuống phủ thành Quy Nhơn rồi nhân lúc trời tối lính canh lơ là, phóng lửa đốt các dinh thự, doanh trại, Tuần phủ Quy Nhơn bị chém đầu, vợ bị bắt mang đi.
Được tin Quy Nhơn có biến, quan cai trị dinh Quảng Nam cho quân cứu viện, đồng thời cử người về triều đình Phú Xuân cấp báo. Chúa Nguyễn phái đại binh tinh nhuệ vào đàn áp. Trước tình hình đó, Lía cho quân đắp thêm thành lũy, củng cố vững chắc căn cứ Truông Mây. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt mấy năm trời mà quân Nguyễn không sao đàn áp được, buộc phải rút lui.
Biết không thể thắng được nghĩa quân bằng vũ lực, viên quan tuần phủ mới bèn dùng mưu kế. Dò biết được ái thiếp của quan cựu tuần phủ bị Lía bắt về lấy làm vợ, y liền tìm kiếm người thân của thị đưa vào hàng ngũ nghĩa quân, rồi dụ dỗ, thuyết phục thị làm nội ứng. Một hôm Lía mở tiệc khao quân, vợ Lía bí mật bỏ thuốc mê vào rượu rồi ép các nghĩa sĩ uống say, trong đó có cả Lía. Thị dùng dây thừng trói chặt Lía vào một tấm phản sau đó mở cửa thành chạy về Quy Nhơn báo tin. Quân Nguyễn kéo đến tàn sát nghĩa quân. Lía giật mình tỉnh dậy thấy bị trói bèn hiểu ra tất cả rồi nổi giận vùng dậy mang cả tấm phản trên mình thoát ra khỏi vòng vây chạy lên núi. Quân Nguyễn không đuổi bắt được liền phá hủy thành lũy rồi rút quân về. Lía buồn lòng phẫn uất nên đã tự sát.
Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng hình ảnh chàng Lía dũng cảm, khí phách hiên ngang, không chịu khuất phục trước áp bức cường quyền, yêu thương người nghèo khổ cùng các nghĩa binh do chàng lãnh đạo thì vẫn sống mãi trong lòng dân Bình Định, trong lòng những người bị áp bức.