Từ thưở xa xưa, tre là bạn đồng hành thủy chung, can đảm với con người trong quá trình dựng nước và giữ nước; tre đi vào thi ca, nhạc họa, ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam. Từ khi con người sinh ra đã sử dụng tre làm nôi, ăn măng, làm nhà ở, đan nong, nia, cối xay thóc, làm mảng đi trên sông nước; lạt tre gói bánh chưng trong lễ cưới của những đôi trưởng thành; đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng cần đến... đòn tre.
Trong cuộc sống đời thường, cây tre có sự tương hợp kỳ lạ giữa phẩm chất của tre với cốt cách con người Việt Nam, như người bạn tri kỷ, ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp, sống chết có nhau rất thủy chung. Tre mộc mạc, nhũn nhặn; nhưng lại nhẫn nại vô cùng, không chê đất cằn, không sợ sương gió, lúc nào cũng ngay thẳng, can đảm, không chịu đứng khuất trong bóng râm mà giầu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc, vừa thanh cao vừa giản dị và bất khuất. Những đặc tính của tre tương hợp với chí khí con người luôn đoàn kết, thủy chung, thanh cao, bất khuất. Người Việt Nam có đức tính kiên cường và khả năng thích ứng dẻo dai trước mọi thiên tai, địch họa bằng chính tự lực nội sinh để trường tồn và phát triển. Giống như tre đứng trước cuồng phong vẫn nhẫn nại chịu oằn mình, ngả rạp, để khi gió yên trời lặng lại vươn mình đứng thẳng thành lũy, thành rừng; tre già măng lại mọc, tiếp tục sinh sôi.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ở làng quê hầu như nhà nào cũng có cây nêu bằng tre, ngắm cây nêu có lẽ ta sẽ cảm nhận được, tre xứng đáng là biểu tượng của cốt cách người Việt Nam.