Còn nhớ đúng thời gian này năm ngoái, sự cố tàu SE1 trật bánh ở Bình Thuận đã khiến gần 10 đoàn tàu hủy chuyến, hàng ngàn hành khách vật vạ, mỏi mệt chờ đợi về quê đón Tết tại sân Ga Biên Hòa. Nhiều người trong công ty bảo với tôi rằng, sau này về quê hãy chọn máy bay, vừa nhanh mà lại vừa an toàn. Tuy nhiên, tôi vẫn thường chọn đi tàu hỏa cho cả gia đình. Đơn giản vì tiết kiệm. Vì với tôi, đường tàu còn một mình một hướng. Trên những chuyến tàu xa, tôi có thời gian nhớ về những năm tháng ấu thơ...
Ngày ấy, tôi gầy gò, đen nhẻm với mái tóc ngắn, thường lẽo đẽo theo mẹ “đội” thúng cơm gà lên chuyến “tàu chợ” duy nhất của ngày để bán. Cứ lên tàu là tôi thấy đông vui tấp nập, nhất là mỗi khi ngồi ở khoang gần cửa sổ. Chỉ cần mở mắt ra là cỏ cây, sông núi như trải thảm trước mặt mình. Lớn lên thêm một chút, tôi không còn “nhảy tàu” bán cơm cùng mẹ mà chỉ thích ở nhà đọc các mẫu truyện từ những trang sách, trong đó có truyện Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Lúc nào trong đầu cô gái mới lớn ấy cũng mong ước một lần được đến phố huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) để hình dung phố huyện ấy có giống vùng quê mà mình đang sống.
Nhà tôi ở sát ga xép của một huyện nghèo của tỉnh Quảng Bình. Vào ngày Tết, ga xép không rộn ràng như bây giờ. Hành khách lên tàu chỉ đi được chặng ngắn trong mấy tỉnh của miền Trung. Muốn vào Nam hay ra Bắc, phải đến ga trung tâm của phố huyện. Sát bên ga xép này, người dân lập ra khu chợ để buôn bán nhỏ. Tết đến Xuân về nhưng thời tiết vẫn còn chìm trong sương mù của những ngày đông giá. Xung quanh chợ không có hoa, người mua thưa vắng, hàng quán liêu xiêu. Đã vậy, mưa nhiều, xóm núi buồn hiu hắt, ga xép lặng lẽ trong mưa. Chỉ có tiếng còi tàu dội vào vách núi vọng đến những ngôi nhà vẫn bao năm nương bên thung lũng im vắng.