a,
Tự học có ý nghĩa to lớn đối với mỗi học sinh. Trong cuộc sống, học vấn là việc quan trọng mà mỗi người đều hướng tới. Sở dĩ nước Nhật và các nước Châu Âu phát triển vì người dân vô cùng coi trọng việc học. Trên thực tế, việc tự học là 1 phương pháp học mà mỗi bạn học sinh cần rèn luyện và trang bị mỗi ngày. Dù mỗi người có những phương thức học khác nhau nhưng việc tự học chính là cách học hữu hiệu và đem đến nhiều lợi ích nếu như con người muốn tạo được những bứt phá cho chính cuộc sống mình. Thứ nhất, tự học giúp người học chủ động trong việc thu nhận kiến thức. Kết hợp với kiến thức được dạy trên trường lớp, tự học sẽ giúp người học tự tìm tòi, tự thu nạp những kiến thức bổ ích. Tự học trở thành 1 thói quen tốt vì nó giúp cho quá trình làm chủ kiến thức nhanh hơn và lí thú hơn. Hơn nữa, với khối lượng kiến thức khổng lồ của nhân loại thì việc tự học sẽ giúp chúng ta học được nhanh hơn và nhiều hơn. Thứ hai, tự học là phương pháp giúp rèn luyện, sáng tạo bộ não bản thân, không phụ thuộc vào người khác. Thay vì học theo những gì được dạy và đi theo con đường được vạch sẵn, tự học là phương pháp được nhiều người áp dụng để tạo ra những đột phá trong con đường học tập của họ. Tự học sẽ giúp bộ não chủ động, suy nghĩ vấn đề qua nhiều góc nhìn, sáng tạo ra những cái của mình thay vì hưởng sẵn những tiến bộ của người khác. Thứ ba, việc tự học cũng giống như việc tự lập, rèn luyện cho con người những đức tính quý báu để tự chủ, tự lập nghiệp và xây dựng sự nghiệp bằng chính bàn tay của mình. Chính vì vậy, tinh thần tự học, tự tìm hiểu là tinh thần quý báu mà học sinh đều cần có để có thể bước đầu sống cuộc đời do chính mình tạo nên. Trên thực tế, những người thành công và giàu có trên thế giới đều có tinh thần tự học, tự giáo dục rất cao. Họ dành cho bản thân sự rèn luyện và nghiêm khắc, kỷ luật tuyệt đối suốt một thời gian dài lập nghiệp. Những tấm gương như Bill Gates, Steve Jobs ngừng học đại học giữa chừng nhưng là để tự giáo dục, tự lập nghiệp chứ chẳng phải là đi chơi bời. Họ chính là những tấm gương lập nghiệp bằng tự học hỏi từ những thất bại, tự xây dựng đường đi cho mình bằng sự tự học, tự giáo dục nghiêm khắc. Còn học sinh hiện nay, nếu như chúng ta chưa có ý thức tự học nghiêm khắc thì bên cạnh việc học trên trường, mỗi học sinh cần dành thời gian để tự học thêm, đọc sách và nghiên cứu thêm để tăng cường vốn hiểu biết cho mình Tóm lại, học là quá trình cả đời và tự học chính là con đường nhanh nhất để tiếp cận hết tinh hoa tri thức của nhân loại, biến kiến thức của thế giới thành kiến thức của mình.
b,
Học sinh cần tránh xa các trò chơi điện tử. Thật vậy, trò chơi điện tử là sản phẩm trí tuệ của con người được sử dụng vào mục đích giải trí. Thật vậy, bản chất của trò chơi điện tử không hề xấu mà để giúp con người có những phút giây giải trí nhưng do cách sử dụng của một số bạn học sinh mà trò chơi điện tử lại đem đến những tác hại khác nhau. Trên thực tế, trò chơi điện tử với cấu hình bắt mắt, nội dung sinh động, đồ họa hấp dẫn sẽ khiến cho người chơi thực sự nhanh bị cuốn hút vào. Tuy nhiên nếu như con người biết điểm dừng thì những trò chơi sẽ chẳng mang lại tác hại gì cả. Đầu tiên, nghiện trò chơi điện tử chính là hệ lụy của việc lạm dụng trò chơi điện tử. Khi nghiện thì con người khó bỏ, các bạn sẽ tiêu tốn hàng giờ đồng hồ của chính mình trong những trò chơi điện tử đó, lãng quên nhiệm vụ học tập và những thứ đang diễn ra xung quanh mình. Việc các bạn dành quá nhiều thời gian cho việc ngồi trước màn hình máy tính sẽ gây ra những bệnh về thị giác, xương khớp và béo phì. Nghiêm trọng hơn, việc nghiện và lún sâu vào những trò chơi điện tử có thể gây ra các bệnh về mặt tinh thần cho học sinh. Những căn bệnh như: rối loạn tâm lý, giảm khả năng giao tiếp, trí tuệ kém phát triển hay tâm thần phân liệt loại nhẹ đều xuất phát từ việc chơi trò chơi điện tử đến "tẩy não". Thứ hai, việc chơi trò chơi điện tử yêu cầu người chơi dành hàng giờ cho nó thay vì học bài. Chính vì vậy, các em dễ bị xao nhãng việc học, làm cho kết quả đi xuống, khó đạt được thành tựu trong tương lai và cuộc sống. Thậm chí, nếu như các bạn học sinh tiếp xúc phải những trò chơi có tính chất bạo lực hoặc có nội dung đồi trụy thì sẽ còn nghiêm trọng hơn đến đời sống và đạo đức của các em. Nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật, gây ra nỗi đau cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần có những sự giám sát, quản lý con em của mình thật tốt. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính các bạn học sinh, chỉ coi trò chơi điện tử như một phương tiện giải trí, mỗi ngày chỉ chơi khoảng 15 phút là dừng. Tóm lại, trò chơi điện tử là một phương tiện giải trí nhưng do cách sử dụng không đúng mà gây ra những hậu quả khôn lường đối với chính các em học sinh và những người xung quanh.
c,
Học sinh cần chuẩn bị bài tập thật tốt trước khi đến lớp. Thật vậy, việc làm đầy đủ bài tập trước khi đến lớp mang đến nhiều lợi ích cho học sinh. Đầu tiên, việc làm đủ bài tập trước khi đến lớp sẽ giúp cho học sinh hiểu và nắm chắc kiến thức của phần trước. Từ đó, học sinh sẽ có khả năng tiếp thu kiến thức mới tốt và hiệu quả hơn. Đồng thời việc học cuốn chiếu gọn từng phần sẽ giúp cho mỗi học sinh tiếp nhận kiến thức hiệu quả và tốt cho việc học. Thứ hai, việc chuẩn bị bài tập trước khi đến lớp sẽ giúp cho học sinh có được tâm thế chủ động trong học tập, tự tin khi đến lớp. Nhờ vậy mà việc học sẽ đạt được kết quả cao và tốt nhất. Cuối cùng, việc chuẩn bị tốt bài tập trước khi đến lớp sẽ giúp cho việc dạy học trên lớp được diễn ra vô cùng thuận lợi và suôn sẻ. Cô giáo nói mà học sinh hiểu bài, các học trò cùng nhau thi đua sẽ tạo nên không khí học hăng hái, tích cực. Chính vì vậy, việc chuẩn bị tốt bài tập trước khi đến lớp là việc mà học sinh nào cũng cần phải làm.