Bài ca dao số 4, trang 35 SGK:
Bài ca dao trên là lời của bề trên nói với con cháu, nhắc đến một tình cảm thiêng liêng cao quý – tình cảm anh em trong gia đình:
"Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy".
Đó là những người cùng một cha mẹ sinh ra, cùng chung sống, sướng khổ có nhau trong một mái nhà. Điệp từ “cùng” đã nhấn mạnh nguồn gốc của anh em, một mối quan hệ vô cùng thân mật, gần gũi. Cách ví von của dân gian tuy giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa. Tay và chân là hai bộ phận trên cơ thể, bằng xương, bằng thịt của con người, không thể tách rời nhau. So sánh anh em với tay chân, ông cha ta muốn nhắc nhủ về quan hệ ruột thịt, máu mủ, gần gũi. Anh em trong gia đình có hòa thuận, yêu thương, chia sẻ,....nương tựa lẫn nhau thì cha mẹ mới có thể vui lòng. Đó là mong ước của cha mẹ cũng như bổn phận của người làm con. Bài ca dao là một lời răn dạy sâu sắc về tình thân, là truyền thống đạo lí cao đẹp của dân tộc: trọng tình, trọng nghĩa, hiếu thuận với cha mẹ và anh em trong gia đình.