@HỌC TỐT
Đoạn văn 1 - diễn dịch: Tình yêu thương chồng của chị Dậu
Bài làm
Tình yêu thương chồng của chị Dậu đã được nhà văn Ngô Tất Tố khắc hoạ thành công trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”. (1) Trước hết, nó thể hiện qua cảnh chị chăm sóc chồng chu đáo, bằng mọi cách cứu chữa cho chồng trong cơn nguy kịch. (2) Được bà hàng xóm cho vay bát gạo, chị vội vã nấu cháo, múc cháo, quạt cho cháo nguội rồi rón rén bưng đến chỗ anh Dậu, khẩn khoản mời chồng ăn (3) Chỉ là một bát cháo nhưng chất chứa bao tình cảm nồng ấm, sâu nặng của chị. (4) Tình yêu thương, sự an ủi, mong chồng sớm bình phục ấy đã được bộc lộ qua từng lời nói, cử chỉ, hành động mà chị làm với người chồng. (5) Bên cạnh đó, chị còn cố ý bế cái Tỉu ngồi xuống xem chồng mình ăn có ngon không. (6) Qua đó ta cảm nhận đó là một sự quan tâm, chăm sóc vô cùng chân thành. (7) Không chỉ vậy, nó còn được thể hiện qua hành động chống lại bọn cường hào để bảo vệ chồng. (8) Chính tình yêu chồng đã tiếp thêm sức mạnh cho chị để đương đầu với bọn cai lệ và người nhà lý trưởng. (9) Ban đầu, chị đã hết lời van xin rồi cự lại bằng lý lẽ. (10) Khi thấy tính mạng chồng bị đe doạ, chị đã đánh lại hai tên tay sai mạt hạng trong sự sợ hãi của anh Dậu. (11) Cuối cùng, để làm nổi bật tình yêu thương mà chị Dậu dành cho chồng, nhà văn đã sử dụng nghệ thuật tương phản tăng cấp, miêu tả tâm lý, xây dựng tình huống truyện gay cấn, cùng ngôn ngữ đối thoại đặc sắc thông qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động hệ thống từ tượng hình tượng thanh.(12)
Đoạn văn 2 - diễn dịch: Lòng nhân hậu của Lão Hạc
Bài làm
Lòng nhân hậu của lão Hạc đã được nhà văn Nam Cao khắc hoạ thành công qua truyện ngắn cùng tên. (1) Trước hết, lòng nhân hậu của lão thể hiện qua cách đối xử với con chó vàng – người bạn lão trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. (2) Đối với lão Hạc, con chó không chỉ là một vật nuôi mà cao cả hơn nó là một thành viên trong gia đình, một người con, người cháu để lão thực hiện thiên chức của người ông, người cha. (3) Không những vậy, lão còn gọi nó là cậu Vàng như một người đàn bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự, cho ăn vào bát giống như nhà giàu…(4) Chính vì lòng nhân hậu nên lão đã khóc như một đứa trẻ, đau khổ, day dứt, ân hận khi bán đi con chó vàng – kỉ vật duy nhất của con trai; và khi chết, để tạ lỗi với nó, lão Hạc đã chọn cái chết của một con chó - một cái chết thật đau đớn và dữ dội. (5) Ngoài ra, lòng nhân hậu của lão còn thể hiện qua tình yêu thương lão đối với những người cùng cảnh ngộ. (6) Lão đã từ chối sự giúp đỡ của họ, ngay cả với ông giáo một cách thật hách dịch và trước khi chết, lão còn gửi ông giáo ba mươi đồng để lo ma chay cho mình. (7) Bên cạnh đó, tuy bị dồn đẩy đến bước đường cùng, bế tắc, tuyệt vọng nhưng lão quyết không ăn xin, trộm cắp, bị tha hoá biến chất như Binh Tư mà tìm đến cái chết để bảo toàn nhân cách: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”. (8) Cuối cùng, để làm nổi bật lòng nhân hậu của lão Hạc, nhà văn đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí, xây dựng tình huống truyện gay cấn, bất ngờ cùng ngôn ngữ đối thoại độc thoại đặc sắc, hệ thống từ tượng hình tượng thanh phong phú. (9)