Bài làm
Từ cuối những năm 70, khi nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng ta, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, đã đề ra nhiều chủ trương đổi mới từng phần. Tuy vậy, những nhược điểm của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc đó về căn bản chưa được khắc phục. Đất nước bị bao vây, cấm vận. Trong quá trình thực hiện những biện pháp cải cách, chúng ta lại phạm một số sai lầm mới nên khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng gay gắt, tỉ lệ lạm pháp lên đến 774,7% vào năm 1986.
Cuối năm 1986, tại Đại hội VI, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích những sai lầm, khuyết điểm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Sau Đại hội VI, công cuộc đổi mới được triển khai mạnh mẽ. Nhưng tình hình diễn biến phức tạp, có lúc khó khăn tưởng chừng khó vượt qua: ba năm liền lạm pháp ở mức ba con số; đời sống của những người hưởng lương và trợ cấp xã hội giảm sút mạnh; nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, sản xuất cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân buộc phải rời xí nghiệp; hàng vạn giáo viên phải bỏ nghề; những vụ đổ vỡ quỹ tín dụng xảy ra ở nhiều nơi. Những diễn biến quốc tế phức tạp tác động xấu đến tình hình nước ta.