Bởi người ta thấy rõ hơn bao giờ hết rằng con người thật là nhỏ nhoi, kiếp người chỉ là thoáng chốc. Đời người sao quá phù du! Ta bỗng thấy mình như đang bơ vơ lưu lạc giữa cái mênh mông của đất trời, trôi nổi trong cái xa vắng rợn ngợp của dòng thời gian. Ta bỗng thấy chơi vơi giữa thế gian này!... Ấy là lúc có thể đọc thơ Huy Cận cái thế giới đang mở ra trước mắt ta kia chính là thế giới thơ Huy Cận, thế giới của Lửa thiêng, , thế giới của Tràng giang. Thi sĩ đã cất lên giùm ta cái cảm xúc, cái nỗi niềm nhân thế đó.
Ngày trước, để bênh vực cho bài Tràng giang (cũng là bênh vực cho Thơ mới!) người ta đã phải viện ra cái kỉ niệm của một chiến sĩ nào đó mà rằng: một người cách mạng như thế cũng rất yêu hai câu đầu của bài Tràng giang, vậy bài thơ này là lành mạnh, nỗi buồn ở đấy là trong sáng, chứ không có hại gì! Rồi ngay cả Xuân Diệu cũng phải lập cả một hàng rào che quanh để bênh vực cho lòng yêu thiên nhiên của bài thơ. Không, lòng yêu thiên nhiên tạo vật tự nó là một giá trị, ngang hàng với những tình yêu khác. Lòng yêu thiên nhiên là một cảm xúc thuộc về nhân tính. Tự nó không cần bảo vệ!
Tràng giang không nhất thiết phải là sông Hồng, sông Cửu Long, đó có thể là Hoàng Hà, Hằng Hà, Vonga, Dương Tử... cũng được chứ sao. Tràng giang là một tạo vật thiên nhiên. Nó có thể được gợi ý, gợi tứ từ sông Hồng, từ một chỗ đứng xác định là bến Chèm. Nhưng khi đã thành hình tượng Tràng giang thì nó đã khước từ mọi địa danh, địa chỉ cụ thể để trở thành một tạo vật thiên nhiên phổ quát rồi. Lòng yêu của thi sĩ trong đó là một lòng yêu dành cho thiên nhiên tạo vật, một lòng yêu có ở hết thảy con người! Và đó chính là tầm vóc đáng có của bài thơ này!
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Cố tìm kiếm âm thanh cuộc sống, chỉ tìm âm thanh xoàng xĩnh thôi, dường như cũng không thấy hoặc quá ư xa mờ, vô nghĩa
Chữ đâu ở vị trí này có thể hiểu theo hai cách: vừa là phủ định từ với nghĩa là đâu có, vừa là từ chỉ nơi chốn với nghĩa là đâu đó. Theo nghĩa thứ nhất thì khớp với cách phủ định hoàn toàn sự có mặt của con người ở những câu sau. Còn theo nghĩa thứ hai thì có tiếng làng xa... và đó là âm thanh của cuộc sống đang tan rã, lịm tắt, mờ nhạt, thê lương. Một đằng đã vắng bóng, một đằng đang vắng bóng. Và đằng nào thì cũng quạnh quẽ, cô liêu.