Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Ông đỗ Trạng nguyên, làm quan rồi xin cáo quan về ở ẩn, dựng am Bạch Vân. Ông cũng là nhà thơ lớn của dân tộc với tập thơ chữ Hán “Bạch Vân thi tập” với khoảng 700 bài và tập thơ chữ Nôm “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” với khoảng trên 170 bài. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lý, giáo huấn, ngợi ca ý chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu trong xã hội. “Nhàn” là bài thơ độc đáo của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong đó, bốn câu đầu của bài để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.
“Nhàn” là bài thơ Nôm số 73 trong “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”. Bài thơ làm theo thể thơ thất ngôn bát cú. Những câu thơ là lời ca ngợi cuộc sống thanh nhàn với muôn ngàn vui thú. Qua đó toát lên vẻ đẹp nhân cách và trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong bài, hai câu đề và hai câu luận, bốn câu thơ đã tái hiện bức tranh cuộc sống thuần hậu, hòa hợp với thiên nhiên ở am Bạch Vân của thi nhân. Còn hai câu luận và hai câu kết giúp ta hiểu hơn về vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ.
Cuộc sống thuần hậu nơi thôn dã được khắc họa ngay trong hai câu thơ đề của bài:
“Một mai, một quốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”
Hiện ngay trước mắt người đọc là Nguyễn Bỉnh Khiêm thật dân dã trong cái bận rộn như một lão nông thực thụ. Thi nhân nhằm khẳng định ý nghĩa thanh cao tuyệt đối của cuộc sống đậm chất dân quê. . Số từ “một” xuất hiện trong câu thơ gợi cái ít ỏi. Cùng với đó là liệt kê: mai, cuốc, cần câu, nhịp thơ 2/2/3 đã tô đậm sự lựa chọn, tìm về với lối sống bình dị, thuần hậu, vui với thú điền viên nơi thôn dã của thi nhân. Dáng vẻ “thơ thẩn” được phát họa trong câu thơ thứ hai “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Từ láy “Thơ thẩn” giúp ta hình dung vẻ ung dung, bình thản của nhà thơ. Thực ra, sự hiện diện của “mai, quốc, cần câu” chỉ là một cách tô điểm cho cái thơ thẩn khác đời của nhà thơ mà thôi. Đằng sau nghệ thuật liệt kê, ta nhận thấy những suy nghĩ của ông không tách rời quan điểm thân dân của một con người chọn cuộc đời ẩn sĩ làm lẽ sống của riêng mình. Trạng Trình đã nhìn thấy cuộc sống của nhân dân chứa đựng những vẻ đẹp cao cả với những điều bình dị, mộc mạc. Thực tế, nhà thơ đã sẵn sàng, đã vui vì thấy đủ. Chữ “ai” vốn đề nói về người, còn ở đây nhà thơ dùng để nói chính mình.
Vẻ đẹp nhân cách nhà thơ hiện lên trongcâu thơ thực với thái độ sống khác người đầy bản lĩnh:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao
Hai câu thực phân biệt rõ nhà thơ với những “ai”, với những “vui thú nào”. Điệp từ “ta”,“người” cùng phép đối trong hai câu thơ tạo thành hai đối cực: một bên là nhà thơ xưng “Ta” ngạo nghễ, một bên là “người”, một bên là dại của “ta”, một bên là khôn của “người”, một “nơi vắng vẻ” với một “chốn lao xao”. Đằng sau những đối lập ấy là những ngụ ý tạo thành phản đề khẳng định thái độ sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hình ảnh “Nơi vắng vẻ” được hiểu là nơi không có hoặc có ít người qua lại. Còn trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi đây được hiểu là thiên nhiên yên tĩnh mang lại cho thi nhân sự thảnh thơi, thoải mái trong tâm hồn. “Chốn lao xao” chính là chốn xô bồ, ồn ào, đông đúc, đủ mọi hạng người. Đó là nơi quan trường danh lợi, bon chen, luồn cúi, hiểm độc. Ẩn dụ “nơi vắng vẻ, chốn lao xao” kết hợp với cách nói ngược “ta dại – người khôn” giúp ta hình dung về thái độ mỉa mai của nhà thơ với cách sống tham lam danh vọng quyền quý. Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ động trong việc tìm “nơi vắng vẻ” - không vướng bụi trần. Trạng Trình cười cợt vào thói đời bằng cái nhếch môi lặng lẽ mà sâu cay nhằm phê phán xã hội chạy theo danh lợi. Quan niệm sống: Lánh đục về trong để di dưỡng cho tâm hồn được an nhiên, khoáng đạt của Nguyễn Bỉnh Khiêm thật đáng trân.
Bốn câu thơ nói riêng, bài thơ nói chung là thành công của tác giả khi sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú. Việc kết hợp hài hòa hình ảnh liệt kê, điệp ngữ cùng điển tích, điển cố giúp ta có cái nhìn sinh động hơn về cuộc sống, về trí tuệ của thi nhân. Giọng điệu cảm xúc của tác giả cũng góp phần làm sáng lên bức tranh cuộc sống và thể hiện sâu sắc tâm hồn trí tuệ của tác giả. Từ đó mà bạn đọc hiểu hơn về cách sống, cách nghĩ, quan niệm nhàn của thi nhân.
Bài thơ như lời tâm sự thâm trầm sâu sắc, khẳng định quan điểm sống nhàn là hòa hợp với tự nhiên nhằm giữ cốt cách thanh cao vượt lên trên danh lợi. Bài thơ bao quát toàn bộ triết lý, tình cảm, trí tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bộc lộ trọn vẹn nhân cách của bậc đại ẩn là tìm về với thiên nhiên, với cuộc sống của nhân dân để đối lập triệt để với xã hội phong kiến trên con đường thối nát. Vẻ đẹp cuộc sống và vẻ đẹp nhân cách sáng lòa trong những câu thơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhàn thân mà không nhàn tâm.