Toàn dân kháng chiến là tất cả mọi người dân Việt Nam đều tham gia đánh giặc, trong đó lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Cách đánh giặc trong chiến tranh nhân dân là thế “thiên la địa võng” đối với quân thù; đánh địch ở phía trước, ở phía sau, ngay trong lòng địch, chiến trường không phân chiến tuyến. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài, tạo ra thế cài răng lược, chiến tranh lộn ẩu, chiến tranh bao vây, chiến tranh không mặt trận, chiến tranh tiêu thổ. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946): “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”, đây chính là một định hướng chiến lược, một cẩm nang hoạt động đối với toàn dân ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Toàn diện kháng chiến: là kháng chiến cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao nhằm huy động mọi tiềm lực vật chất, tinh thần của đất nước, liên hiệp với mọi lực lượng cách mạng tiến bộ và hòa bình trên thế giới, kết hợp mọi hình thức đấu tranh để đánh bại kẻ thù. Tính đúng đắn, sáng tạo của Toàn dân, toàn diện kháng chiến được Đảng ta xây dựng trên cơ sở, điều kiện của một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, cơ sở công nghiệp rất nhỏ yếu. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phương châm toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, nhân dân ta đã kế thừa truyền thống oanh liệt của ông cha ta để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đánh thắng đội quân nhà nghề của đế quốc luôn hơn ta về sức mạnh quân sự và các lĩnh vực khác, Đảng đã huy động lực lượng rộng rãi và mạnh mẽ của cả nước, của toàn dân, đánh địch về các mặt quân sự, chính trị, binh vận, ngoại giao và đã từng bước giành thắng lợi.