Nghỉ hè vừa qua, bố mẹ cho em đi thăm cố đô Huế. Khi mới nghe tin này, em đã nhảy lên sung sướng : “Bố mẹ thật tuyệt!”. Ở Huế có nhiều nơi đẹp lắm, không bút nào tả xiết. Nhưng riêng em, em rất thích cảnh ở Đại Nội.
Khi đến Đại Nội, nơi em được thấy đầu tiên là Ngọ Môn – cổng to nhất của Đại Nội. Trông Ngọ Môn rất giống một cái thành to và vững chắc. Ngọ Môn có ba cửa. Cửa ở giữa to nhất, dành cho vua đi. Hai cửa nhỏ ở hai bên là hai cửa cho quan đi.
Em rời tay bố mẹ, chạy lên tầng hai. Ở đây có hai gian rất to được nối với nhau bằng một gian dài và hẹp. Gian to mà em đặt chân lên có một cái trống lớn, giữa mặt trống có một hình tròn âm dương. Em mạnh dạn chạy tới đánh mấy tiếng trống. Tiếng trống hào hùng, âm vang. Em cười thích thú. Bố mẹ em giải thích : đây là Trống Sấm. Trống chỉ dùng đánh khi có lễ hội hoặc có việc đại sự nhà vua tập hợp dân chúng, các quan và quần thần ngồi ở hai gian to ; còn dân chúng thì ở dưới tầng một.
Rời tầng hai Ngọ Môn, em vòng ra phía sau : đó là một cái hồ rất trong, xung quanh hồ là những hàng cây đại và nhãn. Hồ đó có tên là Thái Dịch. Hồ nước trong đến nỗi từ đầu bên này nhìn xuống có thể trông thấy cây cối và bầu trời đầy mây phía bên kia. ở giữa hồ có một cây cầu bắc qua, cây cầu này rất to và dài. Ở hai đầu cầu, có bốn chiếc cột làm từ đá, có chạm rồng rất tỉ mỉ. Mỗi đầu cầu làm thành ba cổng : cổng to nhất dành cho vua chúa đi, ở giữa, cổng thứ hai và thứ ba bé hơn, ở hai bên, cho các quan đi. Cầu này có tên là Trung Đạo.
Đi khỏi cầu Trung Đạo, qua một khoảng sân rộng, em đến điện Thái Hoà. Điện Thái Hoà là nơi ghi chép lại lịch sử của các vị vua như : Duy Tân, Tự Đức, Minh Mệnh, Khải Định,… bằng tranh và những bảng chữ viết bằng chữ nho, treo khung trang trọng và đóng đinh vào cột riêng, ở đây có một bức ảnh về lăng vua Khải Định, phía dưới là những tư liệu về vua Khải Định rất đẹp (nhưng rất tiếc là được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương của biết bao người,.dân lao động…). Em rất chú ý một bức tranh ở gần đó chụp hình một vị vua nhà Nguyễn lên ngôi lúc 8 tuổi. Đó là vua Duy Tân. Có một câu chuyện thú vị về vị vua này : Khi thực dân Pháp tìm bắt để đưa vị vua này lên ngôi, thì chẳng thấy ông đâu. Một người lính đã phát hiện ra vua Duy Tân. Thì ra ông đang ở dưới gầm giường để chơi chọi dế.
Ở đây, sau khi quan sát tỉ mỉ các tranh ảnh, tư liệu ở điện Thái Hoà, cả nhà em đi tiếp ra đằng sau cửa điện : đó là cửu đỉnh. Mỗi đỉnh đều có hình vẽ độc đáo khác nhau : có đỉnh vẽ một người cầm hoa sen, có đỉnh thì vẽ người chèo thuyền… Đến lúc này, vì sắp đến giờ ăn trưa, hơn nữa thời tiết hôm ấy lại rất nóng, mọi người quay trở về khách sạn nghỉ ngơi. Trên đường về, đến cầu Trung Đạo thì trời đổ mưa to, gia đình em phải chạy lên Ngọ Môn trú mưa. Một trận mưa Huế rất to, rất ấn tượng. Kỉ niệm về Huế mới khó quên làm sao.
Cảm giác hứng thú và được mở mang hiểu biết trong nhiều xúc cảm ấn tượng về cố đô Huế thì ấn tượng về Đại Nội rất sâu đậm trong em. Em cảm thấy mình có thêm nhiều hiểu biết và tình yêu mảnh đất này cũng lớn hơn theo chuyến đi, theo năm tháng tuổi thơ cùng sự trưởng thành.