Bước 1: Xác lập luận điểm
– Ý kiến của em trước vấn đề được nêu ra ở đề bài là gì?
– Em sẽ cụ thể hoá ý kiến của mình bằng những ý nhỏ nào?
Bước 2: Tìm luận cứ
Để lập luận cho ý kiến của mình về vấn đề được nêu lên ở đề
bài, em dự định dùng những lí lẽ nào? Tương ứng với những lí lẽ ấy là những dẫn
chứng cụ thể nào để thuyết phục mọi người? Có thể đặt những câu hỏi là gì?, vì sao?, như thế nào? để
xác định các lí lẽ. Ví dụ, với đề bài Chớ nên tự phụ, có thể đặt các câu hỏi: Tự
phụ là gì? Vì sao không nên tự phụ? Tự phụ có hại như thế nào?…
Lưu ý: Trong mỗi đề bài thường có những khái niệm, hoặc vấn
đề cần phải cắt nghĩa thì mới có thể tiến hành bàn bạc, bày tỏ ý kiến của mình
về nó được. Chẳng hạn, để nghị luận về vấn đề Chớ nên tự phụ, nhất thiết phải cắt nghĩa được “tự phụ”.
Câu hỏi Tự phụ là gì? chính là nhằm
giải quyết nhiệm vụ này; hoặc với đề bài Lối
sống giản dị của Bác Hồ, cần phải cắt nghĩa “lối sống giản dị“, có thể đặt câu hỏi: Lối sống giản dị là như thế nào? hay Sống như thế nào thì được xem là giản dị?…
Bước 3: Xây dựng lập luận
Xây dựng lập luận là bước dự tính, cân nhắc cách trình bày,
dẫn dắt để làm sao đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất. Luận điểm đã có, luận cứ đã
có, vấn đề là trình bày các luận cứ ấy theo trình tự nào, dẫn dắt ra sao để mọi
người đồng ý với luận điểm của mình. Chẳng hạn, đối với đề văn Chớ nên tự phụ, em định bắt đầu trình bày
ý kiến của mình từ đâu, bằng luận cứ nào? Bắt đầu bằng việc cắt nghĩa tự phụ là gì, hay nói về những biểu hiện
của thói tự phụ trước? Nên nêu ra ý kiến phê phán thói tự phụ trước hay sau khi
nói về tác hại của thói tự phụ?…
Tóm lại, lập ý cho bài văn nghị luận là tiến hành xác lập
luận điểm, cụ thể hoá luận điểm bằng các luận điểm khác, tìm luận cứ và cách lập
luận hợp lí, nhằm tạo ra sức thuyết phục cho bài viết.