Nếu như hai khổ thơ đầu đã diễn tả tâm trạng khi đứng trước lăng Bác rất rõ nét thì hai khổ thơ cuối lại đặc tả cảm xúc, nỗi niềm của nhà thơ khi đã vào trong lăng và rời khỏi lăng vô cùng xúc động. Khổ thơ thứ ba diễn tả thật xúc động cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào lăng viếng Bác. Khung cảnh và không khí thanh tĩnh, dường như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả rất đạt. Với cụm từ "giấc ngủ bình yên" đã giúp diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác. Đồng thời còn giúp làm giảm đi sự đau buồn, mất mát trước sự ra đi của Người. Bởi với tác giả hay với bất cứ một người dân Việt Nam nào khác, Bác luôn còn mãi với non sông đất nước như trời xanh còn mãi mãi, Người đã hóa thành thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Khổ thơ thứ tư lại diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ khi chuẩn bị phải tạm biệt Bác để trở về. Mặc dù tha thiết muốn ở mãi bên lăng Bác, nhưng tác giả cũng biết rằng đã đến lúc phải trở về miền Nam nên chỉ có cách gửi lòng mình bằng cách hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật ở bên lăng Bác để luôn được ở bên Người. Điệp từ "muốn làm" đã giúp nhấn mạnh khao khát của nhà thơ. Tác giả muốn làm con chim, làm đóa hoa, làm cây tre trung hiếu, muốn được gắn bó bên Bác. Với giọng vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết đau xót tự hào, trong hai khổ thơ cuối, nhà thơ đã thể hiện được niềm xúc động tràn đầy và lớn lao trong lòng khi viếng lăng Bác, thể hiện được những tình cảm thành kính, sâu sắc với Bác Hồ.