I, Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
- Dẫn dắt vấn đề
- Nêu vấn đề: vấn đề phạm tội của trẻ vị thành niên những năm gần đây
B. Thân bài
1. Biểu hiện
- Ở lứa tuổi vị thành niên
2. Thực trạng
- Diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây.
3. Nguyên nhân
- Do nhận thức chưa đúng đắn của trẻ vị thành niên.
- Độ tuổi này rất dễ bị đám đông lôi kéo và còn có những em thích thú với hiện tượng được vô số người quan tâm.
- Chưa dừng lại ở đó, nguyên nhân còn là gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm sát sao đến con em. Họ chưa đề ra được những biện pháp thiết thực hoặc đã có nhưng chỉ mang tính chất răn đe, các em sẽ không những không sợ mà còn cố tình tái phạm vào lần tiếp theo.
4. Hệ quả
- Sa đà vào các tệ nạn xã hội.
=> Do đó, các em phải chịu hình phạt của pháp luật, nhà trường. Bên cạnh đó, các em còn bị bạn bè xa lánh, xã hội lên án.
- Chính điều đó mà khiến tâm lí con trẻ trở nên hoang mang, tổn thương to lớn. Nhiều em vì không chịu được áp lực, tai tiếng của dư luận mà đã tự tay hủy hoại mạng sống của mình. Gây ra bao niềm thương tiếc cho cha mẹ - những người luôn yêu thương, vỗ về các em.
- Đặc biệt, nó còn phá hủy tương lai của những đứa trẻ này.
5. Giải pháp
- Phải tìm ra giải pháp mang tính nghiêm khắc, kỷ luật cao.
- Không ngừng giáo dục, nâng cao nhận thức cho con trẻ.
- Đặc biệt, hãy luôn quan tâm đến con bằng những hành động hữu ích nhất.
6. Liên hệ
C. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận
II, Bài văn tham khảo
Trong những năm gần đây, vấn đề phạm tội của trẻ vị thành niên ngày càng một gia tăng. Điều đó đã làm xáo trộn và gây hoang mang dư luận.
Vậy nguyên nhân do đâu là xuất hiện hiện trạng này? Trước hết, đó là do nhận thức chưa đúng đắn của trẻ vị thành niên. Các em là những đứa trẻ mới lớn nên ý thức còn non kém. Hơn hết, ai ai cũng mong muốn và khát khao chứng minh mình là người lớn trong mắt bố mẹ, người thân,... Bởi lẽ đó, các em làm nhiều hành động khác nhau không ngoại lệ cả những việc làm không văn minh, lịch sự thậm chí là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn là do các em bị ảnh hưởng bởi tâm lí đám đông. Độ tuổi này rất dễ bị đám đông lôi kéo và còn có những em thích thú với hiện tượng được vô số người quan tâm. Chưa dừng lại ở đó, nguyên nhân còn là gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm sát sao đến con em. Họ chưa đề ra được những biện pháp thiết thực hoặc đã có nhưng chỉ mang tính chất răn đe, các em sẽ không những không sợ mà còn cố tình tái phạm vào lần tiếp theo.
Trước những nguyên nhân to lớn đó, bao nhiêu hệ lụy khó lường đã xảy ra. Đầu tiên, các em đã bị sa đà vào các tệ nạn xã hội. Do đó, các em phải chịu hình phạt của pháp luật, nhà trường. Bên cạnh đó, các em còn bị bạn bè xa lánh, xã hội lên án. Chính điều đó mà khiến tâm lí con trẻ trở nên hoang mang, tổn thương to lớn. Nhiều em vì không chịu được áp lực, tai tiếng của dư luận mà đã tự tay hủy hoại mạng sống của mình. Gây ra bao niềm thương tiếc cho cha mẹ - những người luôn yêu thương, vỗ về các em. Đặc biệt, nó còn phá hủy tương lai của những đứa trẻ này.
Do những hệ quả đó, mỗi nhà trường, gia đình và xã hội phải đề ra những biện pháp khác nhau để ngăn chặn hiện tượng này. Trước hết, phải tìm ra giải pháp mang tính nghiêm khắc, kỷ luật cao. Bên cạnh đó, chúng ta phải không ngừng giáo dục, nâng cao nhận thức cho con trẻ. Đặc biệt, hãy luôn quan tâm đến con bằng những hành động hữu ích nhất.
Qua đây, mỗi đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên hãy học tập chăm chỉ, nâng cao ý thức bằng việc đọc nhiều sách, báo,... Đừng đi vào con đường tăm tối để rồi không tìm thấy đường ra.