Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên địa bàn Quân khu 3 ngày nay đã hình thành một số chiến khu cách mạng như: Chiến khu Quang Trung thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1945 theo sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Đảng gồm các tỉnh Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Chiến khu Trần Hưng Đạo hay còn gọi là (Đệ tứ Chiến khu hay Chiến khu Đông Triều), thành lập tháng 6 năm 1945, lúc đầu gồm Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch. Đến đến cuối tháng 6 có thêm Kinh Môn, Thanh Hà, Thủy Nguyên, Uông Bí, Yên Hưng, và một phần Kim Thành, sau mở rộng tới Kiến An, Đồ Sơn, Quảng Yên, Hòn Gai.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Đến tháng 10 năm 1945, Chính phủ ra quyết định thành lập các chiến khu, (sau gọi là khu) trên toàn quốc. Trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận có 3 chiến khu là Chiến khu 2, Chiến khu 3 và Chiến khu 11. Chiến khu 2 gồm các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Lơn La, Lai Châu. Chiến khu 3 gồm các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh và thành phố Hải Phòng. Chiến khu 11 chỉ có Hà Nội trực thuộc Trung ương: khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ Chiến khu 11 sáp nhập vào Chiến khu 2.
Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng gay go, ác liệt; ngày 25 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 120-SL thành lập Liên khu 3 trên cơ sở hợp nhất khu 2 và khu 3 và xác định rõ phương hướng cùng cả nước chủ động đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, đánh bại âm mưu bình định của địch, xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến ngày càng lới mạnh. Địa bàn Liên khu 3 gồm các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Thái Bình.
Tháng 5 năm 1952, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định thành lập khu Tả Ngạn trực thuộc Trung ương Đảng. Địa bàn khu Tả Ngạn gồm các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Lúc này Liên khu 3 còn lại các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình. Địa bàn Quân khu 3 gồm Liên khu 3 và khu Tả Ngạn.
Ngày 3 tháng 6 năm 1957, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 017/SL thành lập các quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân khu 4. Ngày 10 tháng 9 năm 1957, Bộ Quốc phòng ra Nghị định 254/NĐ quy định phạm vi địa giới hành chính do các Quân khu phụ trách. Theo đó, địa bàn Quân khu 3 lúc này gồm Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn. Quân khu Tả Ngạn bao gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình. Đến năm 1957 có thêm Hồng Quảng và Hải Ninh. Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm – Tư lệnh; đồng chí Nguyễn Quyết – Chính ủy. Quân khu Hữu Ngạn bao gồm các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa (Thanh Hóa mới tách từ Quân khu 4 về). Thiếu tướng Vương Thừa Vũ – Tư lệnh; đồng chí Trần Độ – Chính ủy.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 51/QĐ-BQP điều chỉnh địa giới Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn tổ chức lại với tên gọi Quân khu Đông Bắc và Quân khu 3.
Ngày 27 tháng 3 năm 1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 22/QĐ-BQP tách Quân khu 3 thành Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn: Quân khu Tả Ngạn gồm các tỉnh Hà Bắc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Quân khu Hữu Ngạn gồm các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây và Hòa Bình.
Ngày 29 tháng 5 năm 1976, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Sắc lệnh số 45/LCT hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn để thành lập lại Quân khu 3 và điều chỉnh địa giới hành chính tách tỉnh Thanh Hóa thuộc Quân khu 4. Như vậy, từ giai đoạn này địa bàn Quân khu 3 gồm các tỉnh Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Bắc, Hà Nam Ninh và Hà Sơn Bình.
Ngày 14-15 tháng 7 năm 1976, Đảng ủy Quân khu 3 họp phiên đầu tiên, ra nghị quyết lãnh đạo Quân khu theo yêu cầu mới. Đảng ủy Quân khu thống nhất đánh giá về vị trí, nhiệm vụ quan trọng của Quân khu 3 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân khu 3 là địa bàn đông dân cư, giàu của, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, có vị trí quan trọng cả về công nghiệp và nông nghiệp và giao thông … có mục tiêu chiến lược về quân sự.
Từ hai ngày 29 và 30 tháng 6 năm 1978, Quân khu 3 và Quân khu 1 tiến hành bàn giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị của lực lượng vũ trang hai tỉnh Hà Bắc và Quảng Ninh từ địa bàn Quân khu 3 cho Quân khu 1.
Ngày 20 tháng 4 năm 1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Sắc lệnh số 71/LCT tách tỉnh Quảng Ninh ra khỏi Quân khu 1 để thành lập Đặc khu Quảng Ninh trực thuộc Trung ương. Ngày 7 tháng 7 năm 1979, Đảng ủy Đặc khu Quảng Ninh họp phiên họp đầu tiên công bố các quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Đặc khu Quảng Ninh và danh sách Đảng ủy Đặc khu.
Ngày 4 tháng 8 năm 1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết số 154/NQ hợp nhất Đặc khu Quảng Ninh vào Quân khu 3. Tại thời điểm này, địa bàn Quân khu 3 gồm 6 tỉnh, thành phố, dân số trên 10 triệu người. Những năm tiếp theo địa giới Quân khu tiếp tục được điều chỉnh: tháng 3 năm 1997 tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên; tháng 10 năm 1999 tách Hà Tây về Quân khu Thủ đô.
Như vậy Quân khu 3 ngày nay là tên gọi của một tổ chức hành chính quân sự, đã được trải qua nhiều lần thay đổi về tên gọi, địa giới, mà phần lớn là đồng bằng Bắc Bộ và vùng phụ cận. Ngày 31 tháng 10 năm 1945 thành lập Chiến khu 3, ngày này được xác định là ngày Truyền thống của lực lượng vũ trang Quân khu 3.
Quá trình hình thành và phát triển của Quân khu 3 nằm trong quy luật chung của quá trình hình thành lực lượng vũ trang trong cả nước, đó là phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, dựa vào dân và luôn gắn với đặc điểm tình hình cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn.
Tại thời điểm tháng 5 năm 2010, địa bàn Quân khu 3 gồm 9 tỉnh, thành phố là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên: diện tích 20.082,5 km2; dân số 11.981.600 người; có 93 quận, huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh); có 1 816 xã, phường, thị trấn.
Quân khu 3 là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Nhiều tên đất, tên làng, tên sông đã gắn liền với những chiến công oanh liệt. Một trong những địa danh gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là sông Bạch Đằng, (còn gọi là Bạch Đằng Giang), hiệu là sông Vân Cừ, sông chảy giữa 2 huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) và Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), sông có chiều dài 32km; là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long ngày xưa). Sông Bạch Đằng là nơi quân và dân ta (thế kỷ X và XIII) đã lập nên những chiến công oanh liệt, hiện nay thuộc địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Những chiến công đó là:
Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất : Cuối mùa đông năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân ta đập tan cuộc tiến công của quân Nam Hán, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 2 : Ngày 28 tháng 4 năm 981 Lê Hoàn lãnh đạo nhân dân Đại Cồ Việt đập tan quân sâm lược Tống.
Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3: Ngày 9 tháng 4 năm 1288, đoàn thuyền địch bắt đầu tiến vào sông Bạch Đằng; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh trận quyết định đập tan ảo mộng xâm lăng của quân Nguyên, đưa đất nước vào thời đại phát triển.
chúc bạn thi tốt