Người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám không chỉ chịu nỗi đau khổ về vật chất mà còn phải chịu sự hành hạ về tinh thần. Họ chịu sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân cũ, họ bị đẩy vào bước đường cùng, bị ức hiếp, bị chà đạp và vùi dập. Nhưng dù trong bất kì hoàn cảnh nào, họ cũng luôn mang những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, tiêu biểu là chị Dậu trong "Tức nước vỡ bờ" của Ngô Tất Tố và lão Hạc trong "Lão Hạc" của Nam Cao.
Chị Dậu trong đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" của nhà văn Ngô Tất Tố mang những vẻ đẹp đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Trước hết, chị là người vợ, người mẹ giàu tình yêu thương. Chị đã làm mọi cách để có tiền nộp sưu thuế cho chồng, chăm sóc khi anh Dậu bị đánh đập, dũng cảm chống lại bọn cai lệ để bảo vệ chồng. Chị còn hết lòng thương con, đau như cắt từng khúc ruột khi phải bán đi đứa con mình đứt ruột đẻ ra để có tiền nộp sưu. Ẩn chứa trong chị còn là sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Chị quỳ xuống van xin khất tiền sưu cho chồng mình, khi bọn cai lệ không tha mà còn xông vào đánh anh Dậu chị đã vùng lên chống trả: ”Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem”. Chị đánh khiến cho cai lệ ngã chổng quèo ra mặt đất, bọn nhà lí trưởng xông bị chị túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm. Thái độ của chị Dậu phản ánh quy luật tất yếu: có áp bức có đấu tranh, đứng lên chống lại những cái xấu xa để bảo vệ gia đình, bảo vệ chính nghĩa. Như vậy, chị Dậu chính là đại diện cho người phụ nữ nông dân Việt Nam vừa giàu tình yêu thương, vừa có sức sống tiềm tàng mạnh mẽ.
Với lão Hạc, hoàn cảnh của lão bị đẩy vào bước đường cùng khi phải bán chó và tự kết liễu đời mình. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì những người nông dân như lão Hạc vẫn giữ tấm lòng lương thiện, tự trọng. Người tốt, đáng thương như lão Hạc mà cuối cùng phải rơi vào bế tắc, vẫn phải tìm đến cái chết như là cứu cánh duy nhất, cái chết là sự giải thoát. Và càng đáng buồn hơn vì không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa cái chết của lão. Có một điều mà không phải ai trong chúng ta cũng dễ dàng nhận ra được đó chính là người đau khổ nhất truyện chưa hẳn đã là những con người nhỏ bé, bất hạnh như lão Hạc, con lão Hạc, Binh Tư,... mà chính là ông giáo - con người biết tất cả mọi nỗi đau của mọi kiếp người mà phải bất lực “ngậm đau khổ để gửi vào im lặng”. Truyện gửi gắm giá trị nhân đạo sâu sắc, đó là dù trong hoàn cảnh như thế nào thì những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người vẫn luôn tỏa sáng - lão Hạc là một con người giàu lòng tự trọng, giàu tình yêu thương.
Như vậy, dù viết về những số phận, những cảnh đời khác nhau nhưng những trang viết của các nhà văn vẫn luôn thấm đượm tinh thần nhân đạo sâu sắc.