Phải chăng nên nói: "Mọi người vì mình, mình vì mọi người!"
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có những điều mới nghe thì rất hợp lý, nhưng suy ngẫm cho kỹ thì lại là " sai lầm" nghiêm trọng. Ví dụ nói "phòng chống lụt bão". Phòng - thì còn chấp nhận được, chứ - chống - thì làm sao mà chống được bão, chỉ có cách chấp nhận cho bão nó đến, rồi khắc phục hậu quả bão để lại mà thôi. Đó là hiện nay, còn sau này thì chưa biết!
Ngày nay người ta chú ý đến toán, kinh tế, những ngành tự nhiên hầu mong học ra trường kiếm được tiền cho nhanh, mà quên mất giá trị của khoa học xã hội nói chung và môn văn nói riêng. Bản thân tôi chỉ nhận thức được giá trị của môn văn rất quan trọng chỉ khi đã đi làm. Nghe nhiều vị lãnh đạo các công ty nói, ai cũng đều công nhận môn văn rất quan trọng trong việc lãnh đạo của họ và của cả nhân viên khi thực thi công việc. Nếu anh hiểu vấn đề, mà không biết diễn đạt trình bày vấn đề với nhân viên, với đối tác, với người khác, thậm trí là thuyết phục con cái.....thì coi như thất bại. Hành văn và viết văn sai là kiểu" sai một li đi một dặm" với một người, nhưng nếu là lãnh tụ nói một câu khẩu hiệu sai có thể dẫn cả dân tộc đến chổ bế tắc!
Lãnh đạo ta hay nói giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng hình như họ không biết cái gốc giữ gìn văn hóa nằm ngay ở việc dạy và học môn văn, môn tiếng Việt mới là quan trọng nhất. .....
Quay lại câu nói: "Mình vì mọi người, mọi người vì mình" , mới nghe thì ta thấy rất hợp lý, nhưng chỉ đúng trong một giới hạn hẹp, khoảng thời gian ngắn hay hành động cụ thể nào đó. Câu nói này, một học sinh cấp hai có thể hiểu được và có thể hành được, nhưng qua vài lần thử nghiệm "mình đã vì mọi người" mà kết quả "mọi người không vì mình" , người ta sẽ nghi ngờ có nên " mình vì mọi người" nữa không? - thường là không, và người ta chỉ còn biết làm sao tận dụng" mọi người vì mình" càng nhiều càng tốt mà thôi!
Câu nói "Mình vì mọi người, mọi người vì mình" còn mang hàm ý đổi chác, có qua, có lại: Tôi đã làm, đã vì cho các anh thì các anh phải làm, phải vì tôi - đúng là hợp lý, nhưng vấn đề là người ta có cần anh làm điều đó không mà anh bảo: Tôi đã làm, đã vì cho các anh. Bởi nhiều khi ta tưởng ta làm như vậy là hay là tốt nhưng thực tế lại không phải vậy.
Thực tế phải nên nói rằng: "Mọi người vì mình, mình vì mọi người" , chỉ cần đổi vị trí hai cụm từ thì ý nghĩa sẽ khác hẳn, cho nên tôi mới nói dùng câu dùng từ là chuyện rất quan trọng!
Bạn thử nghĩ mà xem, khi bạn sinh ra: mọi người chẳng phải đã vì bạn trước tiên. Cha mẹ tạo ra bạn từ bào thai, rồi bác sĩ theo dõi sức khỏe cho bạn từ bào thai, nhà nước tạo ra hệ thống giáo dục công, chăm sóc y tế công, luật pháp bảo vệ trẻ em.....chăm sóc bạn. Mọi người lớn trong xã hội lao động tạo ra miếng ăn, vật chất, nhà cửa......cung cấp cho bạn, thậm trí vũ trụ đã qui định nhiệt độ trái đất qui định một nhiệt độ, độ ẩm ánh sáng, ô xy....thích hợp cho bạn sống. Cho nên mọi người đã vì bạn, trái đất đã vì bạn trước tiên....cho suốt cuộc đời bạn. Vì bạn đã nợ moị người nhiều như vậy, cho nên chỉ khi nào sống " mình vì mọi người" bạn mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, mình vì mọi người sẽ thành lẽ tự nhiên, thành chân lý, thành sứ mệnh , thành nhu cầu của bạn.
Mọi người vì mình -là điều đã và đang diễn ra một cách không điều kiện, Bạn có là "đổ bỏ đi" thì cha mẹ, xã hội vẫn quan tâm đến bạn, hỏi han bạn, giúp đỡ bạn. Nên chuyện :mình vì mọi người - là vì lợi ích của bạn, sự khẳng định giá trị của bạn với mọi người, lý do bạn tồn tại trong cuộc sống này.
Vậy thì nên chăng từ nay chúng ta phải nói: "Mọi người vì mình, mình vì mọi người",hay nói rõ hơn"Mọi người luôn vì mình, mình phải vì mọi người"mới hợp với lẽ tự nhiên và thực tế cần diễn ra! Nếu ai cũng hiểu như vậy, mình tin xã hội sẽ tốt đẹp hơn!