Nói về niềm đam mê đến với hát Xoan của các em nhỏ, bà Huệ lý giải: Hát Xoan vốn là nghi lễ hát thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn của người dân với các vị Vua Hùng. Người hát Xoan phải luôn đặt mình trong tâm thế trang trọng, nghiêm túc, bởi thế, nhiều gia đình hiện nay luôn hướng con trẻ học hát Xoan, một phần để giữ gìn di sản của ông cha, nhưng phần khác, mong con cái học những điều hay, rèn những đức tính tốt đẹp. Tôi và các nghệ nhân cao tuổi rất phấn khởi vì lứa tuổi thanh niên, học sinh đã tích cực tham gia học và biểu diễn hát Xoan. Giờ chúng tôi không còn phải lo lắng làn điệu Xoan bị mai một mà bảo nhau cố gắng truyền dạy để tiếp lửa cho thế hệ sau này trong việc bảo tồn, phát triển di sản nhân loại.
Làn điệu hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Để làm được điều này, một phần lớn là nhờ có những người nghệ nhân trân trọng, nỗ lực bảo vệ và giữ gìn như bà Lê Thị Huệ. Bà chính là người giữ ngọn lửa tình yêu hát Xoan luôn rực cháy để câu hát trường tồn mãi mãi với thời gian.