(1) Qua bài thơ "Quê hương" của Tế Hanh, hình ảnh cánh buồm trong đoạn thơ "Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng... Rướn thân trắng bao la thâu góp gió" đã khiến em rất ấn tượng. (2) Cụm từ "sớm mai hồng" đã thể hiên rằng đó là bình minh buổi sớm, là thời điểm mở đầu một ngày mới; "trời trong, gió nhẹ" và màu hồng của ánh dương đang lên cho ta thấy thời điểm ra khơi rất thuận lợi. (3) Hình ảnh con thuyền trẻ trung, được so sánh với con tuấn mã: "Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã" kết hợp với động từ mạnh đã thể hiện được khí thế lao động hăng say, khẩn trương, tất cả đều trẻ trung, hừng hực khí thế. (4) Hình ảnh cánh buồm trên con thuyền ấy, trong phút xuất thần đã được linh diệu hóa: "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/Rướn thân trắng bao la thâu góp gió". (5) Cảnh hiện thực hiện lên chính là cánh buồm trắng giương to, căng phồng lên lộng gió. (6) Các động từ được sử dụng tối đa, thêm nữa là sự đảo ngược vị trí: thông thường, khi có gió thổi, cánh buồm mới giương to, nghĩa là, cánh buồm hoàn toàn bị phụ thuộc vào gió, còn trong bài thơ, cánh buồm chủ động giương to để đón gió mà ra khơi. (7) Nghệ thuật so sánh kết hợp nhân hóa đã biến cánh buồm thành một sinh thể có hồn, mang tâm trạng con người. (8) Cách viết "mảnh hồn làng" tạo nên sự kết hợp giữa hữu hình và trừu tượng, giữa bút pháp miêu tả và bút pháp lãng mạn, làm cho hình ảnh cánh buồm vốn quen thuộc bỗng mang vẻ đẹp mới lạ, bất ngờ. (9) Ôi, hình ảnh cánh buồm hiện lên mới thiêng liêng làm sao! (10) Bằng hàng loạt biện pháp tu từ kết hợp động từ mạnh, tác giả cho ta thấy được cánh buồm chính là kết tinh cho một đời sống văn hóa tinh thần của làng quê, đồng thời ta cũng cảm nhận được tình yêu quê hương dạt dào, đằm thắm của tác giả.
* Chú thích
Câu cảm thán: câu 9
Câu ghép: câu 2
Kiểu đoạn văn: tổng phân hợp