Thứ nhất, công cuộc cải cách ở Xiêm và những đề nghị canh tân đất nước ở Việt Nam tuy diễn ra trong cùng một thời kỳ, khi mà chủ nghĩa thực dân phương Tây đang có nhu cầu và âm mưu mở rộng ảnh hưởng, tìm kiếm thị trường phục vụ cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng ở vào những thời điểm khác nhau. Nếu như ở Xiêm, nhà nước trung ương tập quyền đã được xây dựng và củng cố từ giữa thế kỷ XVIII thì quá trình này ở Việt Nam chỉ mới hoàn thành vào đầu thế kỷ XIX.
Thứ hai, những cơ sở chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, giáo dục của vương quốc Xiêm so với Việt Nam vào thế kỷ XIX có nhiều thuận lợi hơn cho việc hình thành, phát triển và thực hiện các chủ trương cải cách. Mặc dù cả Xiêm và Việt Nam đều là chế độ phong kiến trung ương tập quyền, nhưng so với Việt Nam, xã hội Xiêm là một xã hội thông nhất, cởi mở hơn. Tuy nền kinh tế của cả hai nước đều lấy canh tác nông nghiệp làm cơ sở phát triển, nhưng yếu tố hàng hoá, thị trường ở Xiêm phát triển mạnh hơn nhiều so với Việt Nam. Nói tóm lại, ở Xiêm, những tiền đề cho xu hướng cải cách được định hình và phát triển đầy đủ hơn so với ở Việt Nam.
Thứ ba, tầng lớp lãnh đạo tối cao, mà đại diện là các nhà vua Thái Lan và các quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính, vừa là những người chủ xướng đưa ra ý tưởng, vừa là những người có quyền lực để thực thi những chủ trương đó. Tầng lớp này được đào tạo, bồi dưỡng một cách chủ động, phát huy được tính kế thừa, tiếp diễn, tạo thành một lực lượng và sức mạnh chủ đạo, vượt trội, có khả năng lãnh đạo cải cách đi đến thắng lợi, trong khi ở Việt Nam, lực lượng cải cách ít về số lượng, kém về chất lượng.
Thứ tư, trong quan hệ quốc tế, tầng lớp lãnh đạo Xiêm có nhận thức đúng đắn về tình hình khu vực và quốc tế, biết tận dụng một cách triệt để thời cơ, biết khai thác mâu thuẫn giữa các đối thủ, biết hy sinh những lợi ích trước mắt, phục vụ cho những mục tiêu lâu dài. Trên cơ sở đó, họ đã đề ra đường lối đối ngoại phù hợp, cởi mở, thực dụng./.