Bài 1 :
Với những hình ảnh bình dị, mộc mạc của cỏ cây, hoa lá, những ngành nghề truyền thống mang đậm văn hóa Việt, Làng nghề Trường Sơn đã tạo nên một góc của Nha trang xưa, như là một chiếc cầu nối về quá khứ, cho du khách một vé về với các trò chơi tuổi thơ, về với các nghề truyền thống đã nuôi sống con người của biển xanh, cát trắng.
Với mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống, tạo điểm tham quan hấp dẫn, mới đây, Công ty Cổ phần Chế biến Lâm thủy sản Khánh Hòa đã “nâng cấp” Vườn mai Trường Sơn thành Làng nghề Trường Sơn (diện tích gần 20.000m2 ở số 8 đường Trường Sơn, TP. Nha Trang). Bên cạnh sắc mai vàng nở rộ khi Tết đến xuân về, làng nghề trở thành nơi quy tụ, giới thiệu nhiều nghề thủ công mỹ nghệ của xứ Trầm Hương.\ Đến đây, trong những căn nhà gỗ mái ngói đỏ tươi, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm bằng gỗ lũa rất đẹp mắt, ngắm nhìn các nghệ nhân đang đan lưới, nặn tò he, dệt chiếu, chằm nón… Ngoài các sản phẩm theo đúng chuẩn truyền thống, những nghệ nhân ở đây còn sáng tạo ra những sản phẩm dùng để trang trí rất đẹp mắt từ chiếu cói và lưới cá. Cũng ở làng nghề này, khách sẽ bắt gặp những con giáp được đan bằng sợi nhựa tổng hợp rất ngộ nghĩnh nhưng không kém phần đẹp mắt. Mới nhất là tác phẩm trống đồng Đông Sơn đan bằng sợi tổng hợp, đường kính 4m nổi bật trên “bức tường” cây lá xanh ngắt.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Làng nghề Trường Sơn còn trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng ở Nha Trang. Khách đến đây có dịp nhìn ngắm các tác phẩm gốm điêu khắc mang dấu ấn văn hóa Chăm của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng theo tín ngưỡng thờ Mẫu, những tác phẩm điêu khắc mang cảm hứng lịch sử về các vị anh hùng dân tộc. Nhiều người thích thú trước những bức thư họa danh nhân của họa sĩ Lê Vũ, tranh cát Hồng Châu Sa, hoa đất sét của nghệ nhân Phạm Thị Thanh Trà… Trong đó, 2 tác phẩm Làng nghề Trường Sơn (2 x 1,2m) và Làng mai Trường Sơn (hình tròn đường kính 1,2m) của nghệ nhân Trần Thị Thu (người sáng lập thương hiệu tranh cát Hồng Châu Sa) có lẽ là những bức tranh kỷ lục về kích cỡ cũng như độ khó của một bức tranh cát. Trò chuyện với các nghệ nhân, tất cả đều bày tỏ họ quý mến tấm chân tình của ông Lê Văn Luật – Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Lâm thủy sản Khánh Hòa về ý tưởng xây dựng làng nghề nên đã cùng tụ họp về đây, góp sức xây dựng nên làng nghề của xứ Trầm Hương. “Khi được đề nghị làm những bức tranh cát cỡ lớn để trưng bày, tôi rất háo hức nhưng cũng rất lo lắng bởi từ trước đến nay tôi chưa bao giờ làm những bức tranh cát có kích cỡ lớn đến vậy. Sau khi hoàn thiện tác phẩm, được khách tham quan yêu thích, chúng tôi rất mừng…”, nghệ nhân Trần Thị Thu chia sẻ.
Khách đến làng nghề Trường Sơn không chỉ được tham quan các tác phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn được ngắm khu vườn đầy hoa trái. Những ngày đầu tháng 5, làng nghề Trường Sơn có 2.000 cây hoa hướng dương đang nở; hàng trăm chậu hoa hồng cũng đang khoe sắc. Nha Trang đang mùa nắng, chăm cho hoa hồng nở rộ quả là kỳ công. Vì dịch Covid-19, dự định mở cửa đón khách tham quan trong đợt lễ 30-4 và 1-5 vừa qua không thực hiện được nên làng nghề đành phải tổ chức cho khách tham quan trực tuyến. Hiện nay, Làng nghề Trường Sơn đang trồng lại đợt hoa mới để cho khách tham quan trong kỳ nghỉ hè sắp đến.
Điểm đặc biệt của những tác phẩm này đó là được tạo nên từ những nguyên liệu đặc trưng ở địa phương hoặc được sản xuất tại chính Làng nghề Trường Sơn trong suốt nhiều năm qua. Do đó, có thể nói, đây là những tác phẩm có một không hai. Tất cả đã mang đến nhiều trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Bài 2
Nay, nơi này có tên gọi: “Làng nghề Trường Sơn”. Làng nghề đã chính thức được cấp phép hoạt động và thực sự trở thành một nơi giới thiệu các nghề truyền thống, do chính những nghệ nhân tâm huyết và những công nhân yêu nghề, bằng đôi tay của mình, tạo ra những sản phẩm bằng mây đa dạng, độc đáo và bằng gỗ xuất khẩu khắp mọi nơi. Trong bối cảnh dịch Covid-19, dự định mở cửa cho khách tham quan vào dịp lễ và kỳ nghỉ hè đành tạm gác. Thế nhưng, bằng một cách khác, ngày 30-4, làng nghề tổ chức livetream không gian hoa và nghề để mọi người có thể ngắm nhìn.
Mùa này, có 2.000 cây hoa hướng dương đang nở. Hoa hướng dương chao vàng cả một không gian, cứ nghiêng chao theo ánh nắng mai. Ngay con đường đi vào ngợp màu vàng kiêu sa đến lạ. Khi đi trên con đường này, tôi không vội bước, như thể để ngắm những bông hoa đẹp. Một con đường khác, tạm gọi là con đường hoa hồng phía sau ngôi nhà gỗ đẹp, nơi trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ. Giàn bầu với những trái bầu khô – sẽ được dùng để chế tác ra các sản phẩm mỹ nghệ độc đáo – đan xen những chùm nho đang xanh trái. Hai bên con đường là hoa hồng. Ông Luật, Giám đốc làng nghề nói với tôi rằng mùa này trồng hoa hồng ở Nha Trang rất khó, nhưng hoa nở rất đẹp. Hoa hai bên lối đi đưa tới tác phẩm trống đồng Đông Sơn đan bằng sợi tổng hợp, đường kính 4 mét. Những tác phẩm bằng sợi tổng hợp ấy, cứ mỗi năm, theo năm con gì thì tại đây lại tạo ra linh vật đó: Tí, Sửu, Dần, Mẹo… Cứ thế, làng nghề đã đủ 12 con giáp, giống như chúng đang canh giữ nơi này.
Có những nghệ nhân vì yêu mà đến làng nghề, đem tác phẩm của mình trưng bày. Đó là họa sĩ Lê Vũ, người tạo ra các bức chân dung những người nổi tiếng, 8 bức họa tâm linh. Đó là nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, người đam mê tìm tòi và làm mới nghề gốm Lư Cấm (Nha Trang). Anh đem sự rung cảm cùng gốm tạo không gian riêng ở nơi này. Nghệ nhân tranh cát Trần Thị Thu, chủ nhân phòng tranh cát Hồng Châu Sa cũng tới đây tạo tác phẩm tranh cát của mình. Nghệ nhân Nguyễn Đình Huấn giới thiệu những viên đá cảnh, gỗ lũa ông dày công sưu tập cả nửa thế kỷ. Ở đó, chúng ta cũng bắt gặp nghệ nhân Nguyễn Yến tạo ra những con tò he thật thú vị, hay các tác phẩm hoa đất sét của nghệ nhân Phạm Thị Thanh Trà…
Không phải chỉ minh họa, tại Làng nghề Trường Sơn tạo ra một không gian mở cho các nghề truyền thống của tỉnh. Nghề đan và vá lưới có ở những làng biển, tới đây, khách được chứng kiến sự kỳ công để tạo nên một tấm lưới. Rồi nghề chằm nón, nghề dệt chiếu, làm mỹ nghệ bằng những con ốc biển, vỏ bầu khô, hay từ những chiếc lá dừa thắt ra những con thú xinh xinh, những sợi tổng hợp cũng biến thành những tác phẩm nghệ thuật.
Ở trong vườn hoa nở đó, ở những xôn xao của gió lan tỏa mùi hương thơm của biết bao nhiêu đóa hoa. Làng nghề Trường Sơn đã, đang và sẽ là nơi giữ gìn bản sắc Việt.
Đấy thích viết bài nào thì viết... Cực khổ tìm kiếm mạng của toy đấy :( Vote đuyy