“Tràng Giang” là một bài thơ hay, tiêu biểu và nổi tiếng nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Bài thơ được trích từ tập “Lửa thiêng”, được sáng tác khi Huy Cận đứng ở bờ Nam bến Chèm sông Hồng, nhìn cảnh mênh mông sóng nước.Tứ thơ “Tràng giang” mang nét cổ điển như thơ xưa : Nhà thơ thường ẩn đằng sau cái mênh mông sóng nước . Nhưng cái hay của bài thơ là nếu các thi nhân xưa tìm đến thiên nhiên để mong hoà nhập, giao cảm thì Huy Cận lại tìm về thiên nhiên để thể hiện nổi ưu tư, buồn bã về kiếp người cô đơn, nhỏ bé trước vũ trụ bao la . Đứng trước không gian mênh mông, vắng lặng, quạnh hưu của sông nước , tâm hồn nhà thơ như càng đắm chìm hơn trong nỗi cô hoài của cảnh vật. Không một bóng thuyền trên sông, không một tiếng chợ chiều vọng lại từ làng xa , cả không gian bao la như bị nuốt vào cái tĩnh lặng đến đáng sợ . Trước mắt nhà thơ chỉ có bờ xanh nối tiếp bãi vàng, thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, ngoài ra không có bất cứ một dấu hiệu nào của cuộc sống con người . Tất cả những điều đó đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái lạc lõng, cô đơn, cảm thấy mình như thật nhỏ bé trước thiên nhiên vời vợi, xa xa . Phải chăng nhà thơ đang mang trong mình một nỗi sầu nhân thế, nỗi sầu của một kiếp người luẩn quẩn trong vòng nô lệ không tìm thấy lối ra . Có lẽ vì vậy mà tâm hồn của tác giả càng da diết nhớ quê , để rồi ông có cảm giác nhớ quê khi đang ở trên chính quê hương của mình. Mang nỗi u buồn hoài như thế nên bài thơ vừa có nét đẹp cổ điển lại vừa đượm nét hiện đại, đem đến sự thích thú, yêu mến cho người đọc.