Khởi nghĩa Lý Bí và Nhà nước Vạn Xuân (542 - 602)
Khởi nghĩa Lý Bí và Nhà nước Vạn Xuân (542 - 602)
1. Ách đô hộ của nhà Lương
Vào nửa đầu thế kỷ thứ sáu, đất nước ta bị phong kiến nhà Lương thống trị. Nhà Lương đã chia lại các khu vực hành chính, lập thêm châu, đặt thêm quận, tuyển thêm quan lại để thu vét thuế. Trồng cây dâu cao một thước (1) cũng phải nộp thuế, thậm chí bán vợ đợ con cũng phải đóng thuế. Nhà Lương còn thi hành chính sách phân biệt đối xử rất gay gắt. Chỉ có con cháu nhà Lương và một số dòng họ lớn (họ Vương, họ Tạ...) mới được giao giữ chức vụ quan trọng. Thứ sử châu Giao bấy giờ là Tiêu Tư, người cùng một họ với vua Lương, nổi tiếng tham lam gian ác. Nhân dân ta ai ai cũng đem lòng oán hận. Sử sách Trung Quốc cũng phải thú nhận Tiêu Tư "tàn bạo mất lòng dân".
2. Khởi nghĩa Lý Bí
Lý Bí là một hào trưởng địa phương, quê ở huyện Thái Bình (có lẽ thuộc vùng hai bên bờ sông Hồng, phía trên thị xã Sơn Tây). Có tài, võ giỏi mưu cao, ông còn là người rất mực yêu nước, thương dân.
Một thời gian, Lý Bí có giữ một chức quan nhỏ, coi việc quân ở Châu Đức (Hà Tĩnh). Nhận thấy tình cảnh cơ cực của dân, ông đem lòng chán ghét chính quyền đô hộ. Cuối cùng, ông từ chức về quê nhà, mưu tính việc lớn. Nhân lòng oán hận quân Lương của mọi người, Lý Bí đã chiêu mộ được nhiều quân, trữ được nhiều lương thực. Ông còn liên kết với hào kiệt các nơi chuẩn bị cùng nổi dậy.
Theo sử cũ, bấy giờ Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục ở vùng Chu Diên hưởng ứng đầu tiên. Tiếp theo là Tinh Thiều, Phạm Tu cùng hào kiệt nhiều nơi khác. Tinh Thiều cũng quê ở Thái Bình. Học giỏi, văn hay, nhưng vì không thuộc dòng dõi quý tộc nên Tinh Thiều chỉ được phong chức "canh cổng thành". Bất bình, ông không nhận chức, về quê cùng Lý Bí mưu tính khởi nghĩa. Lão tướng Phạm Tu, người Thanh Trì (Hà Nội), bấy giờ đã ngoài sáu mươi, vẫn cùng lớp trai làng hăng say việc nước.
Mùa xuân năm 542, Lý Bí phất cờ nổi dậy. Khởi nghĩa thành công nhanh chóng. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, nghĩa quân đã chiếm được hầu hết các quận, huyện. Thứ sử Tiêu Tư run sợ, vội vã bỏ thành Long Biên (Yên Phong - Bắc Ninh) rút chạy về Trung Quốc. Lý Bí đem quân vào Long Biên, ổn định tình hình mọi mặt. Được tin Long Biên thất thủ, vua Lương lập tức hạ lệnh cho quân phản công chiếm lại. Bọn xâm lược vừa kéo sang đã bị Lý Bí cho quân mai phục đánh tan.
Đầu năm sau (543), vua Lương lại lệnh cho quân sang xâm lược lần nữa. Bọn tướng chỉ huy quân Lương lúc này vừa khiếp sợ, vừa mệt mỏi, đang còn dùng dằng chưa dám tiến quân, Lý Bí chủ động ra quân đón đánh địch ở bán đảo Hợp Phố (bấy giờ thuộc châu Giao). Quân Lương mười phần chết đến bảy, tám. Tướng địch bị giết gần hết, kẻ sống sót cũng bị vua Lương bắt phải tự tử.
3. Dựng nước Vạn Xuân độc lập (544)
Mùa xuân năm 544, sau khi đánh đuổi được quân đô hộ và đánh lùi hai lần phản công xâm lược của nhà Lương, Lý Bí tự xưng hoàng đế tức Lý Nam Đế. Lý Nam Đế lấy tên nước là Vạn Xuân (2), đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) và cho dựng điện Vạn Thọ (3) làm nơi vua quan họp bàn việc nước. Triều đình gồm có hai ban văn võ. Phạm Tu được cử đứng đầu hàng quan võ, Tinh Thiều đứng đầu quan văn, Triệu Túc làm thái phó (chức quan cao, cột trụ của triều đình), Triệu Quang Phục là tướng trẻ, có tài, cũng được trọng dụng. Lý Nam Đế lại cho dựng một ngôi chùa đặt tên là chùa Khai Quốc (4).
4. Chống quân Lương xâm lược
Tháng 5 năm 545, vua Lương lại phái quân sang đánh Vạn Xuân. Bấy giờ, nhà Lương vừa đàn áp được những cuộc nổi dậy của nông dân Trung Quốc, đã dồn sức vào cuộc tấn công xâm lược lần thứ ba này. Dương Phiêu được cử làm thứ sử châu Giao cùng với Trần Bá Tiên, một viên tướng rất hiếu chiến, tổ chức cuộc xâm lược. Địch chia hai đường thủy, bộ phối hợp cùng tiến sâu vào nước ta.
Lý Nam Đế đem quân chống cự ở vùng Lục Đầu (thuộc Hải Dương) nhưng không cản được địch. Vua cho quân lui về giữ thành ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Song thành bằng đất, lũy bằng tre gỗ mới dựng không giữ được lâu. Quân địch đang mạnh, tấn công rất ác liệt. Thành Tô Lịch vỡ, lão tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế lại phải lui quân, ngược sông Hồng về giữ thành Gia Ninh (ở miền đồi núi Việt Trì). Quân Lương đuổi theo, vây hãm, chiếm được thành Gia Ninh (đầu năm 546). Lý Nam Đế cùng với tướng sĩ rút vào miền núi Phú Thọ.
Được sự ủng hộ tích cực của nhân dân các dân tộc, chỉ vài tháng sau Lý Nam Đế đã khôi phục được lực lượng, quân số lên tới vài vạn người, Lý Nam Đế lại đem quân và thuyền bè ra đóng ở hồ Điển Triệt.
Hồ Điển Triệt nay thuộc xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nằm bên bờ sông Lô, cách Bạch Hạc khoảng 15km. Xưa có con ngòi thông sông với hồ, ba mặt đông, nam, bắc của hồ là các dải đồi cao, phía tây là những đồi thấp hơn và cánh đồng trũng. Từ sông Lô chỉ có một đường đi vào phía bắc của hồ. Thấy quân Lý Nam Đế xuất hiện, quân Lương từ Gia Ninh ngược sông Lô kéo lên tấn công.Bị đánh cản kịch liệt, quân Lương không tiến lên được, phải đóng ở giữa đồng trống. Quân lính mỏi mệt, tướng chỉ huy nhiều tên cũng chán nản. Nhưng Trần Bá Tiên vừa hung hăng vừa xảo quyệt. Nhân một đêm trời mưa to gió lớn, y đã thúc quân tràn vào đánh úp nơi Lý Nam Đế đóng quân. Không trở tay kịp, quân ta tan vỡ nhanh chóng.
Lý Nam Đế lại phải lui vào động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phúc). Anh vua là Lý Thiên Bảo, cùng Lý Phật Tử (một người trong họ và là tướng của Lý Nam Đế) đem một cánh quân lui vào Thanh Hóa. Vua trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương.
Hai năm sau, Lý Nam Đế mất.
5. Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân Lý Bí (503-548)
Tháng 2-544, ông tuyên bố dựng nước, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng. Ông là người Việt Nam đầu tiên xưng Đế khẳng định chủ quyền và lòng tự hào dân tộc.
Ông đặt cho Vạn Xuân và triều đại mới một niên hiệu riêng, Đại Đức theo sử Bắc hay Thiên Đức theo sử Nam (Thiên Đức phải hơn, vì khảo cổ học đã tìm thấy những đồng tiền Thiên Đức đúc thời Lý Nam Đế).
Xưng đế, định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng, lấy Nam đối chọi với Bắc, lấy Việt đối sánh với Hoa, những điều đó nói lên sự trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin vững chắc ở khả năng tự mình vươn lên, phát triển một cách độc lập. Đó là sự ngang nhiên phủ định quyền làm "bá chủ toàn thiên hạ" của hoàng đế phương bắc, vạch rõ sơn hà, cương vực, và là sự khẳng định dứt khoát rằng nòi giống Việt phương Nam là một thực thể độc lập, là chủ nhân của đất nước và nhất quyết giành quyền làm chủ vận mệnh của mình.
Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí địa lý trung tâm đất nước của miền sông nước Tô Lịch. Hà Nội cổ, từ giữa thế kỷ 6, bước lên hàng đầu của lịch sử đất nước. Cơ cấu triều đình mới, hẳn còn sơ sài, nhưng ngoài hoàng đế đứng đầu, bên dưới đã có hai ban văn võ. Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ, Triệu Túc làm thái phó, Lý Phục Man được cử làm tướng quân coi giữ một miền biên cảnh, từ Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Sơn Bình) đến Đường Lâm (Ba Vì) "để phòng ngừa Di Lão".
Triều đình Vạn Xuân là mô hình, lần đầu tiên, được Việt Nam thâu hóa và áp dụng của một cơ cấu nhà nước mới, theo chế độ tập quyền trung ương.
Lý Nam Đế cho xây một đài Vạn Xuân để làm nơi văn võ bá quan triều hội. Nhà nước Vạn Xuân, dù mới dựng, cũng bỏ tiền xây một ngôi chùa lớn, sau trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của Việt Nam. Đó là chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày nay. Ngay cái tên, "chùa Mở Nước" cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa! chùa Khai Quốc