*Bạn tham khảo bài viết dưới đây nha*
Câu 1:
Em là một học sinh lớp 9, trường THCS xyz. Năm học này thực sự là một năm học rất vất vả với em vì em phải ôn thi đỗ vào một trường cấp 3 Công lập của thành phố. Mỗi ngày em phải học từ bảy rưỡi sáng đến năm giờ chiều, nghỉ trưa một tiếng rưỡi và học đều đặn như vậy từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Thời khóa biểu của học sinh chúng em luôn dày đặc với mười ba môn học khác nhau, môn nào cũng rất nhiều bài tập và cần sự chuẩn bị ở nhà. Tuy nhiên, ở trường chúng em, ba môn được học sinh lớp 9 chú trọng nhất để thi cấp 3 là Toán Văn Anh, nên từ năm giờ chiều trở đi, chúng em còn phải tham gia thêm ba buổi học tăng cường Toán Văn Anh đến tận bảy rưỡi tối mới được về nhà. Mỗi tối, em đều về nhà thì trời đã tối mịt, em lại vội vàng ăn cơm và làm bài tập về nhà các môn. Bố mẹ và thầy cô luôn kỳ vọng vào chúng em rất cao làm chúng em rất áp lực. Tối nào em cũng phải học đến mười một giờ đêm là buồn ngủ trĩu cả mắt. Có những đêm em mệt đến mức khóc thút thít nhưng không cho ai biết hoặc ngủ trong chập chờn, lo lắng. Chương trình lớp 9 làm học sinh có rất nhiều bài kiểm tra đánh giá hàng tháng, thậm chí là hàng tuần. Mỗi tuần em đều có khối lượng bài tập khổng lồ của 13 môn học, rồi phải lo cho kiểm tra, thi cử. Hơn nữa, cuối tuần em còn phải đi học thêm để tăng cường kiến thức cho bằng bạn bằng bè. Đã có những lúc em cảm thấy rất đuối sức nhưng rồi vì tương lai bản thân em lại tiếp tục cố gắng. Nhiều lúc em chỉ muốn thi xong cấp 3 thật nhanh để được đi chơi, đọc truyện thỏa thích. Nhưng vì tương lai, vì thương bố mẹ nuôi ăn học, em quyết tâm đỗ được cấp 3 để rộng mở cánh cửa tương lai hơn.
Câu 2:
DÀN Ý CHI TIẾT
A, Mở bài
- Chiến tranh là chủ đề được nhiều tác giả khai thác và viết về, trong đó có hai tác giả tiêu biểu là Nguyễn Dữ và Phạm Tiến Duật
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ và Phạm Tiến Duật (sgk)
- Giới thiệu tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và Bài thơ về tiểu đội xe không kính
- Đúc kết lại điểm chung của hai tác phẩm: nói về chủ đề chiến tranh và xoay quanh những con người trong cuộc chiến đó.
- Nhưng mỗi tác phẩm nói về chiến tranh ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử và với sắc thái, chủ đề khác nhau
+ Chuyện người con gái Nam Xương: chiến tranh phi nghĩa thời phong kiến, làm đôi lứa chia lìa, là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương
+ Bài thơ về tiểu đội xe không kính: chiến tranh chống Mỹ và bài ca về sức mạnh tuổi trẻ lạc quan, yêu đời, quả cảm, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
B, Thân bài
1, Chiến tranh trong Chuyện người con gái Nam Xương.
- Chiến tranh trong tác phẩm này được Nguyễn Dữ xây dựng nên là chiến tranh phong kiến phi nghĩa và Trương Sinh- người chồng Vũ Nương là người thất học phải đầu quân đi đầu tiên
- Chiến tranh làm cho đôi lứa chia lìa, làm cho những người ở nhà có thể phải gánh chịu nỗi đau mất người thân bất cứ lúc nào.
- Chiến tranh là cơ hội để Vũ Nương thể hiện phẩm chất cao đẹp của mình:
+ Nàng không mong được vinh hoa phú quý, được hưởng công danh mà chỉ mong chồng được bình an trở về (dẫn chứng)
+ Nàng nói lên nỗi niềm lo sợ khi đến kỳ hạn mà không thấy chồng trở về, lại phải đan áo gửi người ải xa,...(dẫn chứng)
+ Vũ Nương ở nhà chăm sóc cho mẹ chồng như mẹ ruột, lo ma chay chu đáo; rồi chăm con thay chồng,...(dẫn chứng)
+ Vũ Nương phải xa cách chồng nhưng một mực chung thủy chờ chồng trở về.
- Nhưng chiến tranh cũng là nguyên nhân gián tiếp đẩy nàng vào nỗi oan không thể hóa giải
+ Chiến tranh làm vợ chồng phải xa cách. Trương Sinh lại hay ghen, thất học, không hiểu thấu sự việc và chỉ một mực nghe 1 câu nói của bé Đản mà nghi oan là vợ hư.
--> Chiến tranh làm cho những mối nghi ngờ thêm khó hóa giải.
Tóm lại, chiến tranh trong Chuyện người con gái Nam Xương là chiến tranh phi nghĩa, làm cho các thành viên trong gia đình không được đoàn tụ, là "con dao hai lưỡi", vừa là cơ hội để người phụ nữ thể hiện những phẩm chất tốt đẹp nhưng cũng là nguồn cơn dẫn đến nỗi khổ của họ.
2, Chiến tranh trong Bài ca về tiểu đội xe không kính.
- Chiến tranh ở đây là chiến tranh chống lại đế quốc Mỹ, là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh của toàn dân nhằm sứ mệnh cao cả là giải phóng toàn dân tộc.
- Trong chiến tranh, tượng đài về những con người vĩ đại được hiện lên, đó là bài ca về tinh thần bất khuất của thế hệ trẻ xẻ dọc Trường Sơn để cứu nước.
+ Hình ảnh những chiếc xe không kính: nói lên sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng trên những chiếc xe ấy, những người lính Trường Sơn vẫn tiếp tục hành trình vận chuyển lương thực, thực phẩm của mình hàng ngày không hề nao núng.
+ Bằng sự lạc quan và tươi trẻ của mình, những người lính đã biến nỗi khổ của "không kính" thành những niềm vui: ngắm sao trời, cánh chim, hòa mình với thiên nhiên, bắt tay với những người lính khác.
+ Trên những chiếc xe ấy, những người lính vẫn hiện lên với hình ảnh đẹp, không hề nao núng trước mưa bom bão đạn kẻ thù. Họ vẫn tươi trẻ, vẫn hồn nhiên, vẫn chạy vì Tổ quốc phía trước (dẫn chứng)
--> Trong chiến tranh, những người lính hiện lên như những tượng đài bất khuất về tinh thần yêu nước, bài ca về tuổi trẻ
3, Mở rộng
Việt Nam từng trải qua hai cuộc chiến lớn là kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nỗi đau để lại cho người còn sống là không thể đếm xuể. Chiến tranh dù được thực hiên bằng vũ lực hay chính trị thì đều mang đến nỗi khổ đau cho con người. Ngày nay, ở những vùng nóng như Tây Á,.. vẫn thường xảy ra những cuộc xung đột vũ trang, làm cho cuộc sống ở đây bị tàn phá. Chiến tranh dẫn đến bất ổn, tạo nên làn sóng di cư và những vấn đề rối loạn an sinh trên khắp thế giới. Phải làm sao để tất cả mọi người đều được sống trong một thế giới yên bình, không chiến tranh?
C, Kết bài
- Tóm tắt lại chủ đề chiến tranh trong hai tác phẩm