Gân lá song song
Là đặc tính của phiến lá nhiều cây đơn tử diệp, các gân song song thường có độ lớn gần bằng nhau và chạy dọc theo lá; các gân dọc nầy có thể được nối nhau bằng những gân nhỏ, mảnh hơn. Ví dụ như ở mía, lúa, lan … Ta có thể xem lá gân song song như là lá chỉ gồm có một gân chính nhưng gân chính nầy dẹp như bị cán ra nên các bó của nó xa nhau và giữa các bó là diệp nhục.
Ở lá kè (Livistona), thốt lốt (Borassus), mật cật (Rhapis) … gân chính như bị xòe ra ở một điểm nên lá gồm nhiều lá phụ bức xạ.
Gân hình cung cũng được xem là thuộc kiểu gân song song; gặp ở cây song tử diệp như mã đề (Plantago).
Gân lá hình mạng
Thường gặp ở cây song tử diệp, các gân lá có kích thước to nhỏ khác nhau và tạo thành mạng phân nhánh liên kết với nhau. Trong hệ gân hình mạng, những gân lớn thường nổi lên ở mặt dưới, các gân nhỏ hơn thường chìm trong mô của diệp nhục. Tùy theo cách sắp xếp của các gân lớn trong phiến lá mà hệ gân nầy được chia:
* Gân hình lông chim có gân giữa to nhứt hay còn gọi gân chính; từ gân giữa phân ra hai hàng gân phụ hai bên song song nhau, đối nhau từng cặp hay so le nhau.
* Gân hình chân vịt với các gân chính lớn có kích thước gần bằng nhau xuất phát từ gốc của phiến lá và rời nhau đi về mép của phiến lá, trông giống các ngón chân vịt. Ví dụ gân lá đu đủ, khoai mì…
* Gân hình lọng có cuống lá thay vì gắn ở bìa phiến lá lại gắn ở giữa phiến lá như ở lá sen, súng … Các gân chính đi từ giữa lá và tỏa tròn ra mép của phiến lá.
Trong hệ gân lá hình mạng, hệ gân lông chim được xem là kiểu khởi sinh, và
trong mọi trường hợp, gân phân tới mép phiến lá được xem là kiểu nguyên thủy.